>>Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh tại Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường (Đà Nẵng) nhấn mạnh tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, ngày 31/10.
Theo đại biểu Trần Chí Cường, trong bối cảnh nhiều khó khăn, tình hình kinh tế xã hội nước ta trong năm 2023 tiếp tục đà phục hồi tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Đây là thành tựu không thể phủ nhận, tạo đà phát triển cho đất nước trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Trần Chí Cường chỉ ra với 5/15 chỉ tiêu dự kiến không đạt yêu cầu đều ở lĩnh vực kinh tế. Điều này phản ánh tình hình “sức khỏe” của nền kinh tế nước ta hiện nay đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các gói chính sách của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng.
Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, có nhiều khó khăn thách thức trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm tới.
“Do đó, Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình, “bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn” cho phù hợp, có những chính sách, biện pháp đủ mạnh, đảm bảo tính khả thi hoàn thành các mục tiêu đặt ra”, đại biểu Trần Chí Cường bày tỏ.
Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, tăng trưởng tín dụng đến tháng 9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022. Nền kinh tế đang khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành.
“Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh đang đối mặt với nhiều khó khăn, đồng thời, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại. Cơ chế cho vay phức tạp, làm giảm sức hấp dẫn của việc vay vốn. Thị trường vốn, thị trường cổ phiếu có dấu hiệu không ổn định”, đại biểu Trần Chí Cường nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Chí Cường cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% một năm không khả thi, giải ngân được rất ít. Hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản.
Do đó, đại biểu Trần Chí Cường đề nghị cần xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay cũng như việc quản lý định hướng tín dụng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng góp cho phát triển kinh tế, thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng và phát triển bền vững trong tương lai.
>>Quốc hội thông qua danh sách lấy phiếu tín nhiệm
>>Nghị quyết số 43/2022/QH15: Quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đánh giá, năm 2023 trong bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước có nhiều nhiều khó khăn, song đất nước đã vững vàng đi lên. Tình hình kinh tế – xã hội có nhiều dấu hiệu phục hồi và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Cử tri, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã ghi nhận Quốc hội và Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như đã liên tục 4 lần giảm lãi suất điều hành, tăng cường khả năng tiếp cận vốn, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, giảm phí, lệ phí trước bạ, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế đất.
Qua đó giúp doanh nghiệp và người dân giảm bớt khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh. Bên cạnh những kết quả đạt được, doanh nghiệp cũng đã và đang đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn giảm. Một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng và số doanh nghiệp phá sản cũng tăng lên.
Tại kỳ họp này, Chính phủ đã có Báo cáo số 20 về tình hình kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả (12 dự án). Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm nhận thấy tiến độ thực hiện còn rất chậm, nhiều vấn đề tồn tại chưa được xử lý, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần khẩn trương, quyết liệt hơn nữa, có biện pháp xử lý đồng bộ, cụ thể cả trước mắt và lâu dài đối với 12 dự án.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo quyết định cơ chế cụ thể đối với Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc nhằm giúp Công ty xử lý tồn tại, vượt qua những khó khăn, giúp hàng ngàn cán bộ, công nhân lao động ổn định sản xuất, yên tâm làm việc.