Từ nay đến cuối năm, dự kiến còn khoảng 1 triệu tỷ đồng tín dụng cần được giải ngân, nhưng sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn khá yếu.
Cũng giống như các doanh nghiệp khi tồn kho hàng hóa, Ngân hàng Nhà nước cho biết các ngân hàng thương mại đang “tồn kho tiền”.
Tính đến cuối tháng 8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,5 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022. Mức này chỉ bằng khoảng một nửa so với cùng kỳ năm trước.
Từ nay đến cuối năm, dự kiến vẫn khoảng 1 triệu tỷ đồng tín dụng cần được giải ngân, nhưng sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn đang khá yếu. Đồng thời những vướng mắc phải được tháo gỡ thực chất mới thúc đẩy hiệu quả nguồn lực này, từ đó đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.
Lượng đơn hàng thế giới giảm chỉ còn 70 – 80% so với trước, nhưng tại Tập đoàn An Phát Holdings, đối tác đang đòi hỏi cao hơn về chất lượng và thấp hơn về giá bán. Doanh nghiệp cho biết hầu hết bạn hàng ở Bắc Mỹ, châu Âu đã dừng hẳn việc tiêu thụ sản phẩm nhựa thông thường và chuyển sang nhựa tái chế thân thiện môi trường, giảm thiểu dấu chân CO2. Vì vậy doanh nghiệp buộc phải đầu tư thay thế nguyên liệu, nâng cấp dây chuyền. Chỉ riêng chi phí sản xuất đã cao gấp rưỡi so với thông thường, chưa kể chi phí lãi vay.
Cùng với lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, doanh nghiệp còn phải chi trả những khoản phát sinh khác như bảo hiểm. (Ảnh minh họa – Ảnh: Báo Đầu tư)
“Lợi nhuận dao động từ 8 – 9% nên để có tính hiệu quả thì lãi suất cần ở mức dưới 6%”, ông Nguyễn Lê Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings, cho biết.
Cùng với lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, doanh nghiệp còn phải chi trả những khoản phát sinh khác như bảo hiểm. Dù Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nhưng một số bất cập vẫn tồn tại, khiến chi phí tài chính nói chung vẫn là sức ép lớn với doanh nghiệp.
“Để vay được tiền của ngân hàng, mỗi năm chúng tôi phải mua vài trăm triệu tiền bảo hiểm. Mỗi năm, chúng tôi đều phải vay. Chúng tôi đề nghị mua bảo hiểm bằng bảo hiểm nhân thọ nhưng không được”, ông Hà Huy Thục, Chủ tịch Công ty Cổ phần Xây dựng và Cây xanh Hà Nội, cho hay.
Doanh nghiệp vay được thì ngại chi phí cao, còn doanh nghiệp chưa vay được lại lo ngại về điều kiện. Ngay cả khi cho vay tín chấp, cho vay theo dòng tiền để giảm bớt các điều kiện về tài sản đảm bảo cho doanh nghiệp, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được sự minh bạch. Vì vậy, dù ngân hàng có dư tiền, muốn cho vay cũng rất khó.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ với các chính sách khác để ưu tiên hơn nữa cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...