Theo Công ty Chứng khoán MBS (MBS), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 34 tỷ USD, tăng 37,8% so với tháng trước và tăng 14,2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tiếp tục tăng cao đóng góp bởi các mặt hàng chủ lực có mức tăng rất cao như sản phẩm từ chất dẻo, tăng 284% so với cùng kỳ, sản phẩm hóa chất, tăng 81% so với cùng kỳ và xơ, sợi dệt các loại, tăng 85% so với cùng kỳ. Lũy kế 3 tháng đầu năm, xuất khẩu ước đạt 93 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ.
Các mặt hàng xuất khẩu có tăng trưởng âm lớn nhất bao gồm đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận (giảm 20% so với cùng kỳ), clanhke và xi măng (giảm 11% so với cùng kỳ), kim loại thường khác và sản phẩm (giảm 7% so với cùng kỳ). Ngược lại, xuất khẩu vẫn ghi nhận những tăng trưởng ấn tượng bởi các mặt hàng nông nghiệp bao gồm xuất khẩu sản phẩm từ chất dẻo (tăng 132% so với cùng kỳ), máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (tăng 70% so với cùng kỳ), cà phê (tăng 54% so với cùng kỳ).
Về thị trường xuất khẩu quý I/2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 26,2 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang EU ước đạt 12,1 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 5,7 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ.
Từ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 31 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ, tăng 33,4% so với tháng trước. Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 93 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 29,4 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ. Trong quý I/2024 có 2 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 5 tỷ USD (chiếm 40,3% tổng kim ngạch) là điện tử, máy tính linh kiện, tăng 23,6% so với cùng kỳ; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, tăng 12,1% so với cùng kỳ.
MBS dự báo, xuất khẩu sẽ tăng trưởng 10% - 12% trong năm 2024, thặng dư cán cân thương mại ở mức 21 – 24 tỷ USD dựa trên các yếu tố như sau: Thứ nhất, sự phục hồi từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ và Trung Quốc và việc đẩy mạnh ký kết đàm phán của Bộ Công thương để mở rộng, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu khác.
Thứ hai, theo WTO, thương mại toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2024 nhờ hàng tồn kho thế giới đã tạo đáy cũng như áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu đã hạ nhiệt đáng kể.
Thứ ba, nhu cầu điện thoại đã có dấu hiệu tạo đáy trong quý II/2023, chủ yếu do cầu tiêu dùng Trung Quốc đã phục hồi tích cực trong quý III/2023.
Thứ tư, nhu cầu linh kiện điện tử cũng dự kiến sẽ tăng trở lại trong những tháng tới nhờ sự phục hồi của ngành sản xuất chip và gia tăng nhu cầu ứng dụng công nghệ AI.
Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán này cho rằng, vẫn có nhưng thách thức đáng chu ý đối với tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam trong năm 2024 bao gồm: chi phí vận tải có thể tăng đột biến bởi các xung đột địa chính trị; gia tăng cạnh tranh từ các nước xuất khẩu đổi thủ như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan,... Trong khi đó, ở trong nước, các doanh nghiệp của Việt Nam phải đương đầu với chi phí lãi vay vẫn ở mức cao, chi phí đầu vào tăng do tăng giá điện, tăng lương cơ bản,...