TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh khi trao đổi với DĐDN.
Ông nhận định các động lực tăng trưởng cho kinh tế năm 2024 là gì thưa ông?
Khi nói về các động lực tăng trưởng ngắn hạn theo từng năm chúng ta thường nói tới tiêu dùng, đầu tư, xuất nhập khẩu mà đặc biệt là xuất khẩu. Các yếu tố này trong năm 2024 vẫn kỳ vọng giữ vai trò dẫn dắt, ảnh hưởng tích cực đáng kể với tăng trưởng.
Rõ ràng năm 2024 với bối cảnh thế giới và đà phục hồi có điểm được và chưa được so với năm 2023 thì xuất nhập khẩu, thương mại vẫn rất khó khăn do đà phục hồi chậm chạp của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác thương mại đầu tư chính của Việt Nam. Vậy bài toán của 2024 là làm sao chặn đà đi xuống của thương mại, xuất khẩu.
Thứ hai, với tiêu dùng, chúng ta đã tạo ra bước chuyển khá tốt, đó là thu hút du lịch quốc tế, chúng ta cần tiếp tục và dư địa phát triển cho yếu tố này còn rất lớn so với các quốc gia bên cạnh. Sự phục hồi của doanh nghiệp, thị trường việc làm, thu nhập của lao động trong nước cũng góp điểm tích cực vào tiêu dùng.
Thứ ba là về đầu tư, chúng ta đã có đà bước chuyển tích cực từ đầu tư công. Và chúng ta sẽ tiếp tục. Với cách làm hiện nay, quy hoạch đã cơ bản có, cơ chế đặc thù, khuôn khổ pháp lý đã cơ bản sửa, đang sửa và chờ thông qua. Vấn đề chỉ là vĩ mô liên quan xử lý các vấn đề trên thị trường tài chính, bất động sản để tạo dựng lại lòng tin, qua đó cùng với đà phục hồi thì đầu tư tư nhân hi vọng quay lại quỹ đạo. Đó là cách nhìn ngắn hạn. Và với những nỗ lực như vậy, chúng ta có thể tăng trưởng mức khoảng 6%, thậm chí đạt 6,5% năm 2024.
Vậy còn về triển vọng tăng trưởng trong dài hạn thì sao? Và nguồn lực, giải pháp mới là gì thưa ông?
Vấn đề quan trọng hơn là về dài hạn, chúng ta phải tạo ra nền tảng để những động lực mới, những nguồn lực chất lượng tạo tăng trưởng đột phá hơn cho Việt Nam. Chỉ có như vậy chúng ta mới đạt được khát vọng tới năm 2030 Việt Nam là nước thu nhập trung bình cao, cơ bản theo hướng hiện đại.
Trên thực tế động lực ấy chúng ta đã làm nhưng mong muốn quyết liệt hơn và đưa ngay vào cuộc sống. Đó là cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh theo nhiều tiêu chí mới như xanh hơn, số hơn, sáng tạo hơn. Tôi nhấn mạnh, bên cạnh những khuôn khổ pháp lý gắn với những nguồn lực truyền thống như đất đai, tín dụng, thì phải hoàn thiện thể chế để cho nguồn lực mới tạo ra được, được phát triển.
Một điểm mới nữa gắn với chuyển biến mà chúng ta đã làm được đó là về hạ tầng, mà ở đây không chỉ là hạ tầng giao thông, đường cao tốc hay phương thức vận chuyển mà là hạ tầng số, logistics…
Một nguồn lực mới nữa tạo điểm chuyển biến rõ rệt về năng suất lao động đó là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tất cả những yếu tố này sẽ giúp những nguồn lực mới, chất lượng được thu hút đến Việt Nam khi chúng ta có môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Ví dụ như việc nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện với một số quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản,… hay làm sâu sắc quan hệ với các đối tác truyền thống như Trung Quốc. Tất cả những điều này nếu chúng ta khéo léo cùng với chuẩn bị tạo dựng nền tảng tốt về thể chế, hạ tầng, nhân lực thì nguồn lực mới đến cũng sẽ chất lượng, tạo đột phá cho sự phát triển không chỉ của năm 2024 mà còn của những năm tiếp theo.
Tuy nhiên bối cảnh địa chính trị thế giới đang ngày càng đặt ra những cú sốc bất ngờ có thể ập tới đe doạ tới tăng trưởng nền kinh tế, Việt Nam cần làm gì để chống những cú sốc này, thưa ông?
Thực tế chúng ta đã làm nhưng cần quyết lợi hơn để giảm thiểu các rủi ro và những cú sốc. Mà trước hết là cần tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế theo nghĩa rộng nhất, đây là yêu cầu rất quan trọng. Ví dụ như chúng ta hay nói là ổn định kinh tế vĩ mô, lành mạnh hoá hệ thống tài chính ngân hàng, bất động sản, sản xuất nông nghiệp là “bệ đỡ”, hay năng lượng…
Nhóm giải pháp thứ hai, vẫn cần tiếp tục và hiện nay gần như đồng thuận đó là các giải pháp về kích cầu gắn với thị trường trong nước, nước ngoài và đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp vẫn cần tiếp tục mạnh mẽ trong năm 2024. Cụ thể, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được tiếp tục duy trì như giảm thuế, không chuyển nhóm nợ, giữ mặt bằng lãi suất thấp.
Nhóm thứ ba là chuẩn bị nền tảng. Các cuộc khủng hoảng lần này rất khác. Đương nhiên trong khi vượt khó chúng ta vẫn nói tới các cơ hội của tái cấu trúc nền kinh tế thế giới như chuyển dịch chuỗi cung ứng, chuyển dịch xanh, số. Việt Nam đang tạo ra những nền tảng này tốt. Nhưng đằng sau đó phải chuẩn bị làm sao phản ứng nhanh, phản ứng tốt với những kịch bản khác nhau, chuẩn bị các giải pháp để giảm thiểu nếu có các cú sốc bất lợi, muốn như vậy phải bám sát tình hình.
Ngoài ra, còn cần sự quyết liệt trong điều hành, ứng xử. Thời gian vừa qua chúng ta đã phối hợp giữa Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành, tổ công tác để phản ứng trước các cú sốc, đặc biệt là các cú sốc tiêu cực với nền kinh tế. Do đó, chính sách vẫn phải ứng phó với khó khăn. Việt Nam cần có tầm nhìn dài hạn, để bớt đi những nỗi nhọc nhằn của ngắn hạn và trước mắt.
Trân trọng cảm ơn ông!