Hiệu quả điều hành
Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 7,1%, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố cả nước và xếp thứ 4/14 tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc. Bên cạnh việc thực hiện hiệu quả tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp gắn với các chính sách hỗ trợ thuộc các Chương trình MTQG thì năm 2023, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng là điểm sáng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 14,36% so với cùng kỳ năm 2022. Việc hoàn thành, đưa vào khai thác trở lại sân bay Điện Biên đã tạo điểm nhấn, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển và du lịch tỉnh nhà.
Đặc biệt, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn, thông qua đó tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực kinh tế phát triển lành mạnh và cạnh tranh bình đẳng trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2021-2025.
Trong năm 2023, dự kiến có 120 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 100% kế hoạch. Lũy kế toàn tỉnh hiện có 1.143 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 30.791 tỷ đồng và 626 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký hoạt động tại địa phương.
Kinh tế tập thể và hộ kinh doanh tiếp tục được khuyến khích phát triển. Dự ước, trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh thành lập mới 29 hợp tác xã, đạt 131,82% so với kế hoạch. Toàn tỉnh hiện có 319 HTX với 9.844 thành viên, tổng số vốn điều lệ là 888 tỷ đồng; có 1.125 hộ kinh doanh đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký 156 tỷ đồng; luỹ kế toàn tỉnh có 21.181 hộ kinh doanh với tổng số vốn đăng ký là 1.763 tỷ đồng. Tỉnh tập trung xây dựng và tổ chức triển khai các kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2022 - 2025.
Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, Điện Biên tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; quyết liệt khắc phục hạn chế, yếu kém trong cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; triển khai các hoạt động gặp mặt, đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp để tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nhất là trong bước thực hiện dự án đầu tư, phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; công tác vận động, xúc tiến, thu hút, tạo điều kiện để các tập đoàn lớn như: Danco, CME, Công ty Cổ phần đầu tư Khu công nghiệp Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư Đại An, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư AGroup đến khảo sát, nghiên cứu, đề xuất đầu tư một số dự án trên các lĩnh vực trên địa bàn.
Trong năm 2023, Điện Biên đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 16 dự án về lĩnh vực thủy điện, thương mại - dịch vụ, nông - lâm nghiệp, vật liệu xây dựng, khu dân cư đô thị với tổng số vốn đăng ký đầu tư 5.332,496 tỷ đồng. Tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho tổng số 11 dự án, luỹ kế có 210 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 47.415,138 tỷ đồng, trong đó: 121 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 13.210,43 tỷ đồng; 89 dự án đang thực hiện đầu tư với tổng số vốn đăng ký thực hiện là 34.204,71 tỷ đồng.
Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và các hoạt động trong Chương trình năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024. Điện Biên đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 10,5%; tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 14.192 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.924 tỷ đồng; đón trên 1.300 nghìn lượt khách du lịch đến tỉnh, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt trên 2.200 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ đạt 130 triệu USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ đạt 88 triệu USD; nhập khẩu hàng hóa đạt 42 triệu USD.
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ tập trung xây dựng triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được chính phủ phê duyệt; chỉ đạo xây dựng hoàn thành quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đến năm 2045, tập trung rà soát cập nhật điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới các xã trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Đồng thời, xây dựng chương trình, giải pháp chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Đặc biệt, Điện Biên coi việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư; phát triển các thành phần kinh tế là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các các sở ngành, các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đầy đủ cam kết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chỉ số PCI của tỉnh.
Kiên quyết loại bỏ các rào cản bất hợp lý, các chi phí không chính thức với quyết tâm nỗ lực, tập trung cải thiện điểm các chỉ số thành phần, tăng dần vị trí xếp hạng, điểm số PCI của tỉnh. Tổ chức có hiệu quả Hội nghị, hội thảo để gặp gỡ với các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và các địa phương (DDCI) hàng năm, để thúc đẩy năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương.
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; tập trung rà soát cơ chế chính sách, chuẩn bị tốt các chương trình dự án làm cơ sở thu hút, kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp, tư nhân, các thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh, tiềm năng của tỉnh. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư công; đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
Thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư từ những dự án không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân chậm sang dự án có khả năng giải ngân tốt hơn từ các chủ đầu tư giải ngân chậm sang các đơn vị chủ đầu tư có nhu cầu bổ sung vốn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện quyết toán dự án, đặc biệt là các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ những năm trước nhưng chưa quyết toán.
“Điện Biên sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện, đặc biệt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, các thủ tục liên quan đến công tác quy hoạch, đất đai để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, như: các dự án phát triển các khu đô thị tạo nguồn thu từ đất đai; các dự án thuỷ điện đã được cấp chủ trương đầu tư đảm bảo tiến độ theo quyết định phê duyệt; các dự án phát triển trồng cây mắc ca trên địa bàn, các dự án trồng rừng, trong đó tiếp tục tập trung chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai cho các dự án; rà soát đánh giá tiến độ triển khai thực hiện, đánh giá năng lực thực hiện của các nhà đầu tư đối với các dự án đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, làm cơ sở để điều chỉnh tiến độ, quy mô các dự án theo quy định, đảm bảo phù hợp với năng lực của các nhà đầu tư...”- ông Lê Thành Đô nhấn mạnh.