Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết về những khó khăn của ngành da giày trong năm 2024.

“Nút thắt” ngành da giày là chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu

Cần thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu ngành da giày theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch.

Việt Nam là nước sản xuất giày dép đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ, và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đạt khoảng 24 tỷ USD, quý I/2024 đạt 5,6 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.

Mặc dù đã phục hồi trong quý đầu năm song ngành da giày vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Điển hình, từ tháng 3/2024 thị trường EU đặt ra yêu cầu mới về bảo đảm sinh thái, truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, doanh nghiệp phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, hiện nay phần lớn nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Do đó, cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch. Từ đó giúp các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao tính năng động, hiệu quả, có cơ hội vươn lên và tham gia vào chuỗi cung ứng ngành.

“Điều quan trọng là phải đảm bảo chuỗi cung ứng thượng nguồn kịp thời, nhanh gọn. Đồng thời, ngành da giày cần có chuỗi cung ứng sẵn ngay trong thị trường nội địa, từ đó nâng được chuỗi cung ứng thượng nguồn cũng như nguyên phụ liệu theo đúng chiến lược phát triển của ngành, đảm bảo được năng lực cạnh tranh”, ông Thuấn nói. 

Theo nhận định của các chuyên gia, tuy ngành da giày đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, nhưng việc có thể tận dụng được hay không cần phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, nguyên, phụ liệu trong nước.

So với trước đây, tỷ lệ nội địa hóa của ngành đã đạt mức trung bình là 55%, cá biệt có những mặt hàng như giày thể thao đã chủ động được 70-80%, giày vải gần như 100% nguyên phụ liệu trong nước. Dù vậy, các chủng loại nguyên phụ liệu được sản xuất trong nước có chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn cho sản xuất hàng xuất khẩu hầu hết là sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Ngành da giày Việt Nam có tổng cộng 129 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên liệu và phụ liệu giày dép, nhưng chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp trong nước đủ khả năng cung ứng nguyên liệu cao cấp.

Việc có quá ít doanh nghiệp đủ khả năng cung ứng nguồn nguyên liệu gây khó khăn cho những nhà sản xuất da giày trong việc đáp ứng đơn hàng và nguồn nguyên liệu. Điều này kéo theo tỷ lệ nội địa hóa thấp, trở thành rào cản của ngành da giày khi tiếp cận các thị trường có yêu cầu cao.

Nhất là trong bối cảnh, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) dự kiến sẽ thực hiện đầy đủ vào năm 2026. CBAM kỳ vọng sẽ giúp EU giảm phát thải carbon ít nhất 55% vào năm 2030 so với mức năm 1990.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam (Lefaso) đánh giá, giày dép là ngành được đánh giá trong quá trình sản xuất gây ra phát thải lớn, EU lại là thị trường xuất khẩu đạt 6 tỷ euro mỗi năm của Việt Nam.

“Do đó, trong giai đoạn tới ngành da giày Việt Nam cần thiết phải thay đổi để thích ứng với quy định này”, bà Phan Thị Thanh Xuân bày tỏ.

Trước yêu cầu cấp bách của thực tế, việc phát triển vùng công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt được xác định thực hiện càng sớm càng tốt. Tại nhiều sự kiện liên quan đến ngành, Lefaso đã đề xuất Nhà nước hỗ trợ hình thành các khu công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt cho ngành da giày, tập trung sản xuất da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn… đế thuận tiện cho bảo vệ môi trường và tổ chức sản xuất tập trung, phát triển công nghiệp phụ trợ, với các cơ chế, chính sách trên thực tế thích hợp.