Đó là chia sẻ của ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty Tân Phú Việt Nam với DĐDN.
- Theo ông khó khăn lớn nhất để giảm phát carbon và phát thải nhựa là gì, các chính sách đã tác động như thế nào đến kế hoạch thực hiện của doanh nghiệp?
Theo tôi, khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp khi thực hiện mục tiêu giảm phát carbon và phát thải nhựa là chi phí. Việc áp dụng các công nghệ mới, đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững thường đòi hỏi chi phí cao; đồng thời, giá thành của nguyên liệu tái chế và năng lượng tái tạo thường cao hơn so với nguyên liệu và năng lượng truyền thống. Thực tế hiện nay các nhà máy sản xuất nhựa tái sinh trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là rất ít, công nghệ sản xuất cần phải đầu tư nhưng chưa có chính sách hỗ trợ đặc biệt. Vì vậy, giá thành nguyên liệu nhựa tái sinh bị đẩy cao hơn nhựa nguyên sinh, dẫn tới hầu như các doanh nghiệp sản xuất bao bì đang ưu tiên lựa chọn nhựa nguyên sinh.
Ngoài ra, một số rào cản khác có thể kể đến như tâm lý khách hàng e ngại sử dụng sản phẩm làm từ nhựa tái sinh; doanh nghiệp thiếu lao động chất lượng cao và kỹ năng cần thiết để thực hiện các biện pháp giảm thiểu phát thải carbon và phát thải nhựa; các chính sách hỗ trợ có thể chưa đầy đủ hoặc chưa hiệu quả.
Nhìn chung, các chính sách nhằm giảm phát thải carbon và phát thải nhựa có thể tác động đến doanh nghiệp sản xuất nhựa theo nhiều giải pháp. Thứ nhất, doanh nghiệp có thể phải chịu chi phí cao hơn để tuân thủ các quy định mới về phát thải. Thứ hai, các chính sách có thể mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp trong việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Thứ ba, những chính sách này cũng góp phần thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng, khiến họ ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn. Cuối cùng, chính sách cũng có thể tăng cường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp đang thực hiện các biện pháp để giảm thiểu tác động đến môi trường.
- Bên cạnh đó, quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành nhựa được cho là góp phần đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý, thưa ông?
Theo tôi, Thông tư số 38/2016/TT-BCT được Bộ Công Thương ban hành về quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành nhựa là một bước tiến quan trọng trong việc quản lý hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong ngành. Quy định này đã đặt ra các định mức tiêu hao năng lượng cụ thể cho từng sản phẩm nhựa, giúp các doanh nghiệp sản xuất nhựa có thể đo lường và đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng của mình; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất nhựa lập kế hoạch và thực hiện các giải pháp để đảm bảo định mức tiêu hao năng lượng.
Tuy nhiên, cá nhân tôi nhận thấy rằng quy định này vẫn còn một số hạn chế. Có thể kể đến như định mức tiêu hao năng lượng được quy định cho từng sản phẩm nhựa có thể chưa phản ánh đầy đủ sự khác biệt về công nghệ sản xuất, quy mô sản xuất và điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp. Hệ thống kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về định mức tiêu hao năng lượng chưa thực sự chặt chẽ, dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp vi phạm quy định. Hơn nữa, vẫn còn thiếu các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất nhựa áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Đặc biệt, định mức tiêu hao năng lượng như trong quy định là khá thách thức với ngành nhựa trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam. Thực tế, đa số máy móc thiết bị của các doanh nghiệp sản xuất nhựa của Việt Nam chưa phải là loại hiện đại nhất. Do giá thành đầu tư cao, nhiều doanh nghiệp dùng máy đời thấp, máy cũ để sử dụng nên tiêu hao nhiều năng lượng. Mặt khác, tình trạng điện không đảm bảo ổn định do nguồn cung và hạ tầng lưới điện Việt Nam chưa phát triển đồng bộ, dẫn tới tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên vào tháng cao điểm hoặc mất điện sự cố thường xuyên xảy ra, dẫn đến tốn kém chi phí năng lượng của doanh nghiệp, do phải khởi động lại thiết bị nhà máy.
- Để thực hiện mục tiêu xanh hóa, giảm phát thải carbon được thuận lợi với doanh nghiệp, ông có những góp ý nào cần đề xuất?
Việc thực hiện mục tiêu xanh hóa, giảm phát thải carbon là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, tôi xin đề xuất một số giải pháp cơ bản sau.
Đầu tiên, Nhà nước cần ban hành thêm các chính sách ưu đãi về thuế, phí, đa dạng hoá các hình thức huy động vốn cho các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu phát thải carbon. Bên cạnh hỗ trợ tài chính, Nhà nước cũng cần đầu tư nghiên cứu, phát triển các công nghệ xanh, chuyển giao và khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng. Chúng ta cũng nên tích cực tham gia vào các Hiệp định quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án xanh, hợp tác với các quốc gia khác để học hỏi lẫn nhau trong sản xuất xanh.
Thứ hai, cần phát triển thị trường cho các sản phẩm xanh, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào các thị trường xanh và khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm xanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng về việc sử dụng sản phẩm tái chế vẫn an toàn cho sức khỏe, tránh tâm lý hoang mang và hoài nghi.
Thứ ba, để thực hiện mục tiêu xanh hóa, giảm phát thải carbon được thuận lợi, các doanh nghiệp cũng cần nghiêm túc lập kế hoạch, thực hiện và theo dõi, đánh giá hiệu quả, điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết.
- Trân trọng cảm ơn ông!