Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố bản cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2024. Qua đó cho thấy, cầu tiêu dùng quốc tế đang phục hồi nhưng trong nước vẫn yếu.
Thực tế, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng Việt Nam đã có những điều chỉnh đáng kể trong tiêu dùng, từ cắt giảm mức chi tiêu không cần thiết, hạn chế mua hàng, hoặc thay đổi phương thức và lựa chọn xoay sở với ngân sách thu hẹp hơn so với trước đây. Đáng nói, niềm tin của người tiêu dùng giảm sút, người dân tiết kiệm nhiều hơn và trì hoãn các khoản mua sắm lớn như xe máy, ô tô, đồ gia dụng cỡ lớn và nhà và nhà đầu tư vẫn chưa phục hồi.
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 5/2024 ước đạt 519,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 9,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9,0%; may mặc tăng 9,3%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 17,0%; du lịch lữ hành tăng 34,3%.
Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2024 giảm nhẹ 0,1% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng, đi lại của người dân giảm sau kỳ nghỉ lễ dài của tháng trước. Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2024 chủ yếu nhờ vào nguồn thu từ du khách nước ngoài tăng đến hơn 34% so với cùng kỳ.
Mặt khác, các chuyên gia nhận định, thời gian còn lại của năm 2024 vẫn là chặng đường khó khăn đối với doanh nghiệp về bài toán trong việc thâm nhập, chinh phục người tiêu dùng, mở rộng thị trường.
Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, về góc độ sản xuất cần tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu. Đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm. Thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu.
"Cần tiếp tục tìm kiếm và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh. Xây dựng các kênh phân phối sản phẩm, mở rộng việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử đảm bảo nâng cao chất lượng, dịch vụ và quyền lợi, lợi ích của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu", bà Hạnh chia sẻ.
Theo góc độ sử dụng, chuyên gia này cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa.
“Tiếp tục phát huy nội lực của thị trường dân số hơn 100 triệu dân bằng cách đẩy mạnh thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng với các chương trình lễ hội du lịch, lễ hội mua sắm, chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi”, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, không ít ý kiến cho rằng, trước tình hình khó khăn của nền kinh tế, để công tác kích cầu tiêu dùng được đẩy mạnh, hiệu quả và thiết thực hơn, chúng ta cần có những giải pháp mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng. Theo đó, Chính phủ có thể xem xét tiếp tục giảm một số loại thuế, phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu tiêu dung như chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT). Thực tế, việc giảm thuế, phí trong hai năm gần đây hầu như không ảnh hưởng đến tổng thu ngân sách, do đó có thể chấp nhận thâm hụt ngân sách nhà nước cao hơn trong giai đoạn này để hỗ trợ tổng cầu.
Liên quan đến chính sách giảm thuế VAT, TS. Ðặng Ðức Anh, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thay vì giảm thuế trong sáu tháng trong mỗi lần ban hành chính sách hỗ trợ như trước đây, lần này, thời gian giảm thuế cần kéo dài hiệu lực đến hết năm 2025 để doanh nghiệp có cơ sở xây dựng kế hoạch dài hạn cho sản xuất, kinh doanh, tận dụng hiệu quả những lợi ích của chính sách đem lại.
Bên cạnh đó, thuế thu nhập cá nhân cũng đang bộc lộ nhiều bất cập về mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc. Do đó, muốn điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn phải sửa luật thuế thu nhập cá nhân.
“Giải pháp hiệu quả hơn là ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nâng mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân, góp phần tăng tiêu dùng, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng trong thời gian tới”, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh.