Ngày 7/6, Quốc hội thảo luận về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, trong đó có việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Trước đó, Quốc hội đã nghe các báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Trình bày Báo cáo của Chính phủ về quyết toán NSNN năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường.
Xung đột vũ trang tại Nga - Ukraine kéo dài, đã tác động đến thị trường tài chính, hoạt động đầu tư và thương mại toàn cầu. Trong nước, dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt nhưng nền kinh tế phát sinh nhiều khó khăn, thách thức từ những biến động bên ngoài.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số lĩnh vực còn rất khó khăn, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp... tác động không thuận lợi đến khả năng phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch. Trong bối cảnh đó, các chính sách tài khóa đã được điều hành chủ động, tích cực, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Vì vậy, cùng với các chính sách vĩ mô khác, nền kinh tế đã phục hồi tích cực; kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP đạt 8,02%; quốc phòng, an ninh được giữ vững; an sinh xã hội được đảm bảo; tín nhiệm quốc gia được nâng lên.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ và báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022 của Kiểm toán nhà nước (KTNN) cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế chưa được xử lý dứt điểm. Cụ thể, việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2022 còn nhiều tồn tại, hạn chế tại một số Bộ, ngành, địa phương; dự toán chi NSNN không sát, dẫn đến một số khoản chi thường xuyên, giải ngân đầu tư thực hiện thấp hơn nhiều so với dự toán; phải hủy bỏ hoặc chuyển nguồn sang năm sau lớn; tình trạng chậm tổng hợp, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 tồn tại ở nhiều Bộ, ngành, địa phương; tình trạng điều chỉnh thông tin, số liệu quyết toán sau thời gian chỉnh lý quyết toán NSNN chưa được khắc phục.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, qua kiểm toán cho thấy Bộ Tài chính chậm gửi Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 so với quy định; HĐND của một số địa phương phê chuẩn quyết toán NSĐP không đúng thời hạn quy định.
Có 23 địa phương được HĐND phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách địa phương nhưng chưa điều chỉnh đầy đủ số liệu theo kiến nghị của KTNN tại các báo cáo kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP. Trong đó, có 12 địa phương chưa điều chỉnh giảm quyết toán, giảm chi chuyển nguồn ngân sách địa phương, giảm kết dư ngân sách địa phương để nộp trả ngân sách trung ương số tiền 1.488,036 tỷ đồng.
Theo Báo cáo của Chính phủ, dự toán chi NSNN năm 2022 là 1.855.641 tỷ đồng, quyết toán 1.750.790 tỷ đồng, bằng 94,3% dự toán, thấp hơn dự toán 104.851 tỷ đồng. Đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, số quyết toán chi NSNN năm 2022 giảm khá nhiều so với dự toán và giảm lớn so với số Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (thấp hơn 407.310 tỷ đồng sau thời gian chỉnh lý quyết toán NSNN).
Điều này cho thấy cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về công tác lập dự toán chi NSNN, tổ chức triển khai thực hiện, chấp hành dự toán và theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện chi NSNN chưa sát sau thời gian chỉnh lý quyết toán NSNN.
“Việc lập dự toán chi NSNN, tổ chức thực hiện chưa tốt, đánh giá tình hình thực hiện chi NSNN không sát, gây lãng phí nguồn lực, phải vay, trả nợ lãi để bù đắp bội chi nhưng không có khả năng thực hiện, phải hủy dự toán… và ảnh hưởng đến việc xây dựng dự toán NSNN năm 2024 và các năm sau”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh chỉ rõ.
Từ góc độ KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, quyết toán chi đầu tư phát triển năm 2022 là 615.640 tỷ đồng, bằng 103,1% dự toán giao. Qua kiểm toán cho thấy, còn 44 dự án nguồn ngân sách trung ương được kéo dài thời gian giải ngân, thanh toán từ năm 2021 sang năm 2022 nhưng không giải ngân hết trong năm 2022 phải hủy bỏ với số tiền 348,7 tỷ đồng và tiếp tục được bố trí kế hoạch vốn năm 2022 nhưng vẫn không giải ngân được, phải kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 là 611 tỷ đồng hoặc hủy bỏ 1.418 tỷ đồng, bằng 80% kế hoạch vốn giao năm 2022. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư tại một số Bộ, cơ quan trung ương thấp dưới 50% kế hoạch vốn được giao; tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi chỉ đạt 47%.
Về vấn đề này, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, kết quả thực hiện chi đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2022 là thấp so với yêu cầu và dự toán được giao. Số chuyển nguồn, hủy bỏ dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 sang năm 2023 tiếp tục cao hơn năm trước, cho thấy việc sử dụng nguồn vốn này hiệu quả chưa cao.
Cơ quan thẩm tra đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế này để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn quan trọng này.