Thương vụ đầu tiên trong lĩnh vực y tế
Mới đây, Warburg Pincus, quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới thông báo đã đầu tư vào Hệ thống bệnh viện Xuyên Á tại Việt Nam. Chi tiết các khoản đầu tư của thương vụ không được tiết lộ. Tuy nhiên, trong các thương vụ trước đó tại Việt Nam, Warburg Pincus thường đầu tư từ 100 triệu USD đến 370 triệu USD.
Warburg Pincus là một trong những quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới. Quỹ hiện quản lý khối tài sản trị giá hơn 84 tỷ USD. Quỹ đã có hơn 50 kinh nghiệm đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ các tập đoàn chăm sóc sức khỏe và bệnh viện hàng đầu của Mỹ như Summit Health và United Family.
Việt Nam là một trong 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của Warburg Pincus trên toàn cầu và hiện là điểm đến đầu tư lớn thứ 3 ở châu Á. Từ năm 2013, Warburg Pincus đã đi đầu trong việc đầu tư vào Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước. Quỹ đã đầu tư gần 2 tỷ USD vào các doanh nghiệp tại Việt Nam, trở thành nhà đầu tư cổ phần tư nhân toàn cầu lớn và tích cực nhất tại Việt Nam.
Các khoản đầu tư cổ phần của công ty bao gồm từ bất động sản đến dịch vụ tài chính và công nghệ, bao gồm BW Industrial, nền tảng bất động sản công nghiệp và hậu cần hàng đầu tại Việt Nam; Vincom Retail, nền tảng bất động sản bán lẻ hàng đầu Việt Nam; MoMo, nền tảng dịch vụ tài chính số hàng đầu Việt Nam; Techcombank, ngân hàng nhượng quyền bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam; Lodgis, một nền tảng và nhà phát triển khách sạn hàng đầu ở Đông Nam Á và một số nền tảng khác.
Những dự án đầu tư này chỉ là một phần nhỏ sự hiện diện của Warburg Pincus tại Việt Nam. Họ đã có một vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam thông qua các hoạt động đầu tư với việc tạo ra hơn 40.000 việc làm trên khắp Việt Nam.
Trong khi đó, Hệ thống bệnh viện Xuyên Á được thành lập bởi Tiến sỹ Nguyễn Văn Châu năm 2014. Tập đoàn này sở hữu 4 bệnh viện đa khoa cấp 3, chủ yếu tập trong tại Miền Nam trong đó có bệnh viện hàng đầu tại TP. Hồ Chí Minh. Xuyên Á đang tiếp tục mở rộng phạm vi điều trị và tập trung vào lĩnh vực chăm sóc đặc biệt. Hệ thống đang xây dựng một trung tâm điều trị ung thư mới của mình ở bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh, để cung cấp đầy đủ các dịch vụ bao gồm hóa trị, xạ trị và phẫu thuật ung thư.
Nhắm đến lĩnh vực tiềm năng
Với tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng, dân số già hóa, một số thách thức mà hệ thống bệnh viện công phải đối mặt và nhận thức ngày càng tăng về tầm quan trọng của dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, đã tạo ra các cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào lĩnh vực rất tiềm năng này của Việt Nam.
Theo đánh giá của các nhà phân tích, thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam đang rộng cửa, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài một phần do thị trường đang trở nên cởi mở hơn.
Bên cạnh đó, dân số Việt Nam chính thức bước vào “giai đoạn già hóa” vào năm 2017 và nằm trong số những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam lên tới 75,4 tuổi và người cao tuổi có thể chiếm hơn 17% dân số Việt Nam vào năm 2030.
Trong khi đó, theo truyền thống văn hóa tại Việt Nam, các gia đình người Việt thường rất thân thiết. Các đại gia đình sống với nhau trong một thời gian dài và có một kỳ vọng rằng con cái sẽ chăm sóc cha mẹ khi về già. Đồng thời, với sức mua ngày càng tăng của người tiêu dùng trung lưu Việt Nam, khả năng phân bổ nhiều tiền hơn để cải thiện sức khỏe của cha mẹ họ cũng tăng lên.
Ngoài ra, đại dịch COVID-19 vừa qua cũng đã thúc đẩy ngành y tế của Việt Nam, nêu bật một số thách thức mà quốc gia gặp phải trong việc cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hơn nữa, tình trạng quá tải tại các bệnh viện công đang là vấn đề cấp bách của hệ thống y tế Việt Nam. Nhiều người dân thành thị với túi tiền sâu thường ra nước ngoài để điều trị. Bộ Y tế ước tính mỗi năm có hơn 40.000 người chi tới 2 tỷ USD để ra nước ngoài chữa bệnh.
Đối với các nhà đầu tư, việc thâu tóm hệ thống bệnh viện tư nhân có thể được xem là một cách để tận dụng tiềm năng tăng trưởng trong lĩnh vực này, đó có thể được coi là một phần của một chiến lược dài hạn, nhằm tạo lập một vị thế mạnh mẽ trong ngành y tế của Việt Nam và khu vực.
Trước thương vụ Warburg Pincus đầu tư vào Hệ thống bệnh viện Xuyên Á, lĩnh vực y tế tại Việt Nam đã chứng kiến nhiều thương vụ đình đám. Quỹ tài sản có chủ quyền GIC của Singapore đã bơm thêm vốn vào chuỗi phòng khám nhi và thai sản Nhi Đồng 315, KKR đầu tư vào chuỗi bệnh viện chăm sóc mắt Medical Saigon Group, một thương vụ được cho là đã hoàn tất vào đầu năm nay. Trong năm 2023, Tập đoàn Y tế Thomson của Singapore đã mua lại thành công bệnh viện FV với giá 381,5 triệu USD và Tập đoàn y tế Raffles của Mỹ cũng đã mua lại bệnh viện Quốc tế Mỹ với giá 45,6 triệu USD.
Trong quá khứ, các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, bất động sản và tiêu dùng đã và đang tiếp tục thu hút sự quan tâm của Warburg Pincus. Nhưng, với việc lần đầu tiên tham gia vào lĩnh vực y tế có thể phản ánh một loạt các động lực và chiến lược rộng lớn hơn của gã khổng lồ này trong lĩnh vực rất tiềm năng của Việt Nam.