Trên thực tế, xu thế tăng trưởng xanh đã dần trở thành một lựa chọn tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Đây là cách tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới sự phát triển hài hòa kinh tế, xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh đề nghị các đối tác quốc tế, các nhà đầu tư hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và nhất là hỗ trợ về nguồn vốn với chi phí hợp lý để quá trình chuyển đổi, xanh hóa nền kinh tế của Việt Nam bảo đảm công bằng, công lý khi Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi nhưng lại cam kết và thực hiện các nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu như các nước phát triển.
Với hàng ngàn dự án trải khắp các tỉnh, thành, khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, những nhà đầu tư với các dự án bền vững, xanh hóa đã và đang lựa chọn Việt Nam để "xây tổ" là minh chứng tiêu biểu nhất cho thấy, khối doanh nghiệp FDI đã và đang có những đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển bền vững của Việt Nam.
Ông Chris Hogg, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển Bền vững và Truyền thông Khu vực châu Á, châu Đại dương và châu Phi Tập đoàn Nestlé cho biết, doanh nghiệp quan tâm đến việc chung tay vào cùng chuỗi cung ứng cùng 600.000 nhà nông trên khắp thế giới và những cấp độ khác nhau để cùng họ tạo nên tác động đối với quá trình sản xuất.
“Trong toàn bộ quy trình đó, chúng tôi khuyến khích, động viên họ áp dụng những công nghệ về nông nghiệp tái sinh và có những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải carbon cũng như quá trình hấp thụ của khí quyển để tăng cường chất lượng của đất. Như vậy, chúng ta sẽ thúc đẩy tính bền vững trong toàn bộ quá trình sản xuất, trong quá trình tăng năng suất lao động và có những ưu tiên đối với vấn đề về sức khỏe, giúp cho nhà nông có thể tăng được năng suất, hiệu quả của họ nhưng đồng thời vẫn giảm thiểu sử dụng hóa chất trong sản xuất”, ông Chris Hogg nhấn mạnh.
Để khuyến khích hơn nữa doanh nghiệp FDI tiếp tục đầu tư vào các sáng kiến về tăng trưởng xanh của Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài Bộ KH&ĐT cho rằng, điều này đòi hỏi phải có sự chung tay của toàn bộ chủ thể trong quá trình thực hiện.
Trước hết, từ phía Chính phủ, Chính phủ sẽ tiếp tục mục tiêu không ngừng hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, minh bạch tối đa để hỗ trợ các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh thực sự hiệu quả, trong đó có những hoạt động về đầu tư xanh như phục vụ cho phát triển kinh tế xanh.
Đặc biệt, sẽ giảm thiểu hết mức các điều kiện về đầu tư kinh doanh cũng như các thủ tục hành chính. Đây được coi là một trong những giải pháp cơ bản và trọng yếu để giúp tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư đối với việc thực hiện hoạt động sản xuất đầu tư kinh doanh.
Đồng thời nghiên cứu những chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách thích đáng, đúng, thực chất đối với những vấn đề doanh nghiệp cần, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi cách thức hoạt động sản xuất kinh doanh của mình theo hướng xanh, khuyến khích các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi cách thức đầu tư kinh doanh theo hướng xanh hóa.
Ông Anh Tuấn cũng cho rằng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận những thị trường có tiềm năng, ví dụ như thị trường năng lượng, công nghệ thông tin.
Đồng thời, nghiên cứu những cơ chế, chính sách để làm sao giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn tài chính xanh, ví dụ như tín dụng xanh, trái phiếu xanh.
Về phía các bộ ngành, đặc biệt là các địa phương, ông Anh Tuấn cho rằng, quan trọng đầu tiên là thay đổi về tư duy nhận thức, coi tăng trưởng xanh là một yêu cầu tự thân, không thể thay thế được. Trên cơ sở đó đưa tất cả những nội dung liên quan đến tăng trưởng xanh vào trong các chiến lược quy hoạch, kế hoạch của mình, từ ngành cho đến lãnh thổ, để làm sao tất cả hoạt động đều có sự chuyển đổi theo hướng xanh hóa.
Đồng thời, điều quan trọng hơn là từ phía doanhh nghiệp, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài cho rằng các doanh nghiệp cũng phải đồng hành cùng Chính phủ, cùng các bộ ngành, địa phương.
“Ở đây, chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của các doanh nghiệp FDI bởi dù sao các doanh nghiệp FDI cũng là các doanh nghiệp đi trước, có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt có nhận thức sớm hơn về việc cần phải xanh hóa trong quá trình sản xuất đầu tư kinh doanh. Do đó, các doanh nghiệp FDI sẽ hỗ trợ, hợp tác một cách hiệu quả với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc thay đổi cách thức đầu tư kinh doanh của mình, làm thế nào để chúng ta thay vì vị lợi nhuận thành vị xã hội, vì những điều mang lại lợi ích bao trùm hơn không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cộng đồng, xã hội”, ông Anh Tuấn nhấn mạnh.