Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2024 (VBF 2024), đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp FDI tại Việt Nam kiến nghị cung ứng đủ điện để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong mùa nắng nóng năm nay; có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tiết kiệm và phát triển sản xuất năng lượng.
Trước kiến nghị của các nhà đầu tư, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT- TTg liên quan đến điều hành, cân đối cung ứng điện, đảm bảo không thiếu điện trong mọi tình huống, Bộ Công Thương đang nỗ lực cùng ngành điện để thực hiện nhiệm vụ này.
“Chúng tôi có thể khẳng định và cam kết, việc thiếu điện sẽ không xảy ra trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Không chỉ cấp điện ổn định mà còn nâng cao chất lượng nguồn điện” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết.
Để đảm bảo nguồn điện ổn định, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ cũng quan tâm và phát triển đường dây 500 KV mạch 3 để kết nối điện giữa miền Bắc và miền Trung, miền Trung và miền Nam để điều phối điện ra miền Bắc. Điều này thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đang nỗ lực đảm bảo không thiếu điện.
Về nội dung liên quan đến năng lượng xanh, lãnh đạo Bộ Công Thương thông tin đã xây dựng chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch, bền vững, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch liên quan đến năng lượng quốc gia, điện lưới quốc gia đã được phê duyệt. Trong đó, có Quy hoạch điện VIII được các nhà đầu tư quan tâm. Bộ Công Thương đã hoàn thiện kế hoạch thực hiện, dự kiến Chính phủ sẽ thông qua kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII trong tuần này.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng thực hiện giải pháp về mặt công nghệ để đảm bảo phát triển hài hoà các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tăng khả năng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện để đảm bảo phát điện ổn định. Đặc biệt, xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển điện, nhất là các nguồn nhiên liệu mới như khí hydro gắn với các nguồn điện mới như điện gió ngoài khơi.
Liên quan đến cơ chế chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà, cơ chế mua bán điện trực tiếp, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, đơn vị này đang chủ trì phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách và dự kiến hoàn thiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích nhiều thành phần kinh tế đầu tư vào năng lượng, nghiên cứu đề xuất các giải pháp ứng dụng công cụ tài chính, cơ chế khuyến khích nâng cao khả năng tiếp cận tài chính.
Bộ Công Thương cũng đang hoàn thiện các điều kiện cần thiết cho việc phát triển đồng bộ thị trường năng lượng cạnh tranh, đẩy mạnh cơ chế khai thác hạ tầng năng lượng dùng chung và thúc đẩy thị trường cho thiết bị hiệu suất cao và công ty dịch vụ năng lượng. Đây là hoạt động quan trọng cho phát triển năng lượng xanh và chuyển đổi xanh.