Thực hiện ESG, những thành công của doanh nghiệp không chỉ có ý nghĩa hơn, bao trùm hơn mà còn giúp doanh nghiệp thành công hơn trong bối cảnh nhận thức về các vấn đề xã hội, môi trường của cộng đồng ngày càng cao.

Thang đo giá trị chân chính của doanh nghiệp

Công ty Colusa – Miliket đã đầu tư hệ thống quản lý môi trường và năng lượng theo tiêu chuẩn ISO để thực hiện sản xuất xanh, giảm phát thải.

Chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thống sang sản xuất xanh và bền vững đang là xu hướng diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, nhất là khi những quy định về môi trường đã được luật hoá tại nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp chỉ có lựa chọn là phải thực hiện nếu không muốn mất thị trường, khách hàng.

Dẫn kết quả của nhiều nghiên cứu gần đây, TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) nhấn mạnh: áp dụng chuẩn mực ESG trong môi trường hội nhập toàn cầu giúp doanh nghiệp tối ưu hoá đầu tư, tăng thị phần, giảm chi phí và áp lực về pháp lý… Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc ứng dụng ESG không chỉ phù hợp với văn hóa và triết lý Á Đông mà còn là hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo TS. Nguyễn Tú Anh, quan điểm cho rằng mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận đã trở nên đơn giản và lạc hậu. Kinh tế học dựa trên quan điểm này đã không giải thích được nhiều câu hỏi được đặt ra từ thực tế. Đó là tại sao các tỷ phú lại dành phần lớn các lợi nhuận kiếm được sau nhiều năm tháng lăn lộn trên thương trường cho các dự án cộng đồng; tại sao các doanh nhân có tài sản hàng tỷ đô không tận hưởng cuộc sống xa hoa mà vẫn lao tâm khổ tứ với những dự án lớn, đầy rủi ro để có thể mang lại lợi ích cho hàng triệu người. Rõ ràng, mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp là đóng góp giá trị mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân, cộng đồng và các thế hệ sau chứ không chỉ là chạy theo những khoản lợi nhuận lớn.

Hơn nữa, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, môi trường kinh tế toàn cầu có nhiều bất định, việc tìm kiếm lợi nhuận dựa trên tổn hại lợi ích của người khác, của thế hệ khác không phải là lợi nhuận chân chính. Thời gian gần đây, theo đánh giá của TS. Nguyễn Tú Anh, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng dành nhiều nguồn lực lớn cho cộng đồng, cho các hoạt động bảo tồn môi trường… Chỉ có điều những nỗ lực này chưa được đưa vào chuẩn mực cụ thể theo ESG. Ở chiều ngược lại, trước xu thế mạnh mẽ thực hành ESG, không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn tỏ ra lúng túng chưa biết bắt đầu từ đâu, như thế nào để ứng dụng chuẩn mực này.

Nhìn nhận về thực tế này, chuyên gia kinh tế đến từ Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, một phần do ESG hiện đang có nhiều cách hiểu, cách đánh giá không thống nhất trên toàn cầu, ở các khu vực và từng quốc gia; phần khác, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ đang chật vật cân đối dòng tiền, đảm bảo lợi nhuận trong bối cảnh khó khăn nên chưa thông suốt trong nhận thức và hành động đầu tư cho ESG.

Vì vậy, để thuận lợi cho doanh nghiệp bắt kịp xu hướng phát triển bền vững theo chuẩn mực ESG, các cơ quan Nhà nước cần vào cuộc mạnh mẽ hơn với định hướng rõ ràng, đặc biệt sớm chuẩn hoá ESG theo cách hiểu của Việt Nam để có những tiêu chí, quy định phù hợp với văn hoá, triết lý sống của Việt Nam mà không trái với tính đại chúng của ESG và tương thích với chuẩn mực quốc tế.