Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á (Vietnam - Asia DX Summit) năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số", ông Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: hơn 4 năm triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia là khởi động tốt, tạo được niềm tin ban đầu để chúng ta tự tin, hào hứng hơn.
Cụ thể, bên cạnh những chuyển biến về nhận thức, Việt Nam đã đầu tư khá mạnh mẽ và nhanh chóng cho hạ tầng số; chuyển đổi số được đẩy mạnh trong các lĩnh vực tư pháp, nông nghiệp, ngân hàng... Một số doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam khởi động ngoạn mục, ngày càng có vị thế cao trong cuộc cạnh tranh chung ở khu vực và thế giới. Nhiều doanh nghiệp FDI, trong đó cả các tập đoàn hàng đầu như Samsung, Intel, LG... đã chọn Việt Nam làm đại bản doanh.
Bên cạnh những kết quả trên, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng chỉ ra một số hạn chế như một số cá nhân, trong đó cả người có nhiệm vụ chưa muốn thay đổi thói quen, suy nghĩ, chưa quan tâm đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Hạ tầng số - nền tảng cho tăng trưởng xanh chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn lực chưa được ứng xử như một lĩnh vực tiên phong; cơ chế chính sách, thể chế thực sự chưa tạo ra “đường băng” để mọi người, nhất là các doanh nghiệp có thể “cất cánh”.
Do vậy, về các việc cần làm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề cập đến 6 việc chính. Trước hết, cần có sự nhìn nhận đúng mức, đúng mực về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phải thông tư tưởng để tự tin làm và dám dấn thân
Thứ hai, do chưa đủ kinh phí đầu tư tất cả cùng lúc nên phải có chú trọng đầu tư hạ tầng số, nhất là khu vực có nhu cầu và sự ảnh hưởng phát triển như các khu trung tâm, khu kinh tế, khu công nghiệp…
Thứ ba, huy động nguồn lực ngoài ngân sách vì ngân sách nhà nước chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, không thể kham nổi tất cả mọi việc.
Thứ tư, đào tạo nguồn nhân lực cần thực hiện theo hướng kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cùng tham gia đào tạo để đào tạo xong các sinh viên, học viên sẽ có xưởng để thực hành, rút ngắn khoảng cách giữa kiến thức học ở trường với các ứng dụng trong thực tiễn.
Thứ năm, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là các startup tham gia lĩnh vực này với tinh thần chấp nhận rủi ro, chấp nhận mạo hiểm.
Cuối cùng, cố gắng từng bước "đứng trên vai những người khổng lồ", tức là khai thác, tận dụng tốt thành tựu của thế giới qua hợp tác quốc tế, thu hút dự án đầu tư tốt.
Cũng tại Vietnam - Asia DX Summit 2024, từ góc độ doanh nghiệp, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết, các doanh nghiệp cũng đang chuyển đổi kép rất mạnh mẽ bởi công nghệ số giúp tăng tốc trong ứng phó với biến đổi khí hậu, cả ở 2 khía cạnh là thích nghi và giảm thiểu với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, gần đây, chuyển đổi kép số và chuyển đổi xanh còn đi theo một chuyển đổi vô cùng quan trọng là chuyển đổi trí tuệ nhân tạo. Với sự ra đời của các công nghệ siêu máy tính AI, chuyển đổi này đã tạo ra những nguồn lao động mới là kỹ sư về trí tuệ nhân tạo.
Theo Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA, trong bối cảnh chuyển đổi tích cực song cũng nhiều thách thức, Việt Nam có lợi thế trọng yếu về con người, nhân lực. Để tận dụng lợi thế đó, biến đổi quan trọng bậc nhất của Việt Nam thời gian tới là biến đổi con người.
Từ thực tế trên, ông Trương Gia Bình cho rằng, cần khuyến khích, thúc đẩy để rất nhiều người sẵn sàng dấn thân vào ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, xe điện, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Lựa chọn định hướng này sẽ giúp giải quyết tất cả các vấn đề mà Việt Nam và thế giới đang phải đối mặt.