Các kiến nghị đã được các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tổng hợp, trao đổi thẳng thắn với Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND tỉnh Thái Nguyên tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên diễn ra chiều ngày 10/7/2023.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải, đây là nội dung đổi mới trong hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh. Qua đó, Đoàn ĐBQH và HĐND kịp thời nắm bắt kết quả hoạt động trong sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, có chủ trương hoặc những kiến nghị để điều chỉnh cơ chế chính sách đáp ứng những yêu cầu và phù hợp với tình hình mới.
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (HHDN) nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa nêu ý kiến, do tác động của kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động, giá đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, thương mại, khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiêu thụ được hàng hóa, lượng hàng tồn kho lớn, nợ ngân hàng gia tăng, từ đó kéo theo việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Cường, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên đề xuất Chính phủ, chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các gói hỗ trợ (do tốc độ giải ngân các gói hỗ trợ của Chính phủ hiện nay rất thấp); cần có các biện pháp tháo gỡ những vướng mắc trong điều kiện tiếp cận các khoản vay vốn ưu đãi của doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Ngô Quốc Hội – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần khoáng sản An Khánh (Thái Nguyên) cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc Chính phủ thắt chặt chính sách tiền tệ một số lĩnh vực để kiềm chế lạm phát là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, hệ quả để lại là lãi suất tín dụng tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn.
Theo ông Hội, các khó khăn, vướng mắc nêu trên bắt nguồn từ 2 nhóm nguyên nhân: cơ chế chính sách vĩ mô và công tác quản lý, điều hành của địa phương. Lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp hiện nay đang dao động từ 10-14,5%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 7-10%/năm. Lãi suất này là khá cao, khiến các hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trong giai đoạn Covid-19, cơ bản các doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, khiến sản xuất kinh doanh thua lỗ; trong khi ngân hàng quy định doanh nghiệp muốn được vay vốn phải có 2 năm lãi liên tiếp đã đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Do đó, doanh nghiệp muốn tồn tại buộc phải “nói dối” cơ chế, chính sách. Mặc dù lỗ vốn, nhưng phải “chế biến” báo cáo tài chính thành có lãi thì mới tiếp cận được vốn vay, ông Hội giãi bày.
Lấy ví dụ cụ thể về quyền tiếp cận vốn vay, ông Ngô Quốc Hội dẫn chứng, theo quy định, doanh nghiệp được sử dụng quyền thế chấp khai thác khoáng sản để tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc khách hàng vay vốn, ký hợp đồng thế chấp quyền khai thác khoáng sản không đúng với quy định của Luật Khoáng sản. Ông Hội đề nghị Đoàn ĐBQH kiến nghị Chính phủ, Bộ TNMT có hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp có quyền thế chấp quyền khai thác khoáng sản. Đồng thời, thông qua Đoàn ĐBQH kiến nghị tới Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp với tốc độ lạm phát và tình hình tăng trưởng của nền kinh tế; từ đó tháo gỡ những khó khăn để doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn vay đạt hiệu quả.
Khó “trăm bề” do vướng Luật, chính sách
Theo bà Nguyễn Thị Vinh – Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên, cộng đồng doanh nghiệp nói chung chưa bao giờ gặp nhiều “sóng gió, thăng trầm” như giai đoạn hiện nay. Hơn bao giờ hết, doanh nghiệp rất cần những chia sẻ, lắng nghe, đồng hành của chính quyền để vượt qua sóng gió.
Theo bà Vinh, có 4 thách thức doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt. Thứ nhất là thiếu đơn hàng do sản xuất dư thừa. Thứ hai, khó tiếp cận vốn vay do đứt quãng doanh thu dòng tiền và chi phí cao. Thứ 3, do cơ chế, chính sách chưa thay đổi kịp xu hướng của thị trường và nền kinh tế. Cuối cùng là nguy cơ hình sự hóa trong các hoạt động kinh tế.
Vị chủ tịch Hội nữ doanh nhân cho hay, từ những khó khăn nêu trên, khối doanh nghiệp nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên đề nghị ngân hàng Nhà nước tỉnh Thái Nguyên rà soát các ngân hàng trên địa bàn tỉnh thực hiện hiệu quả, truyền tải Thông tư 02/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, từ đó nhanh chóng giảm lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doan. Bà Vinh cho biết, mặc dù NHNN đã 4 lần giảm lãi suất nhưng vẫn rất chậm và rất ít.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khối nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên kiến nghị tỉnh Thái Nguyên sớm xem xét, nghiên cứu việc ban hành chính sách ưu tiên, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nguyên vật liệu có chất lượng tương đương với chất lượng được yêu cầu trong các gói thầu của các gói đầu tư công trên địa bàn. Qua đó, thúc đẩy sản xuất, tạo thị trường bền vững. Cùng với đó, tỉnh Thái Nguyên cần có các chính sách ưu tiên với các nhà thầu thi công tham gia các gói thầu lớn, trọng điểm của tỉnh bằng hình thức liên danh, liên kết, tạo nên sức mạnh đoàn kết cho các doanh nghiệp, tạo nguồn thu cho doanh nghiệp tăng trưởng.
Liên quan đến một số khó khăn, vướng mắc, chồng chéo giữa Luật Đầu tư và Luật Lâm nghiệp, bà Vinh cho rằng, theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Nghị định 83/2020 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, thủ tục quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác được thực hiện sau khi có quyết định chủ trương đầu tư. Trong khi Luật Đầu tư không có quy định phải có quyết định chủ trương đầu tư mới được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị các cấp chính quyền cần áp dụng linh hoạt các quy định pháp luật để đồng bộ hóa các Luật Đầu tư và Luật Lâm nghiệp, tránh chồng chéo gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Ngoài ra, tại hội nghị tiếp xúc cử tri, một số doanh nghiệp kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến các luật: Đất đai, Nhà ở, Quy hoạch, Thuế, Phòng cháy chữa cháy, Xây dựng… Một số ý kiến khác phản ánh về những bất cập trong một số văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, địa phương chưa phù hợp.
Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HHDN tỉnh Thái Nguyên, tình trạng các doanh nghiệp bị “kẹt cứng” trong vướng mắc về thủ tục pháp lý, mà thẩm quyền pháp lý nằm ở chính quyền địa phương đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn những cuộc đối thoại trực tiếp gữa chính quyền và doanh nghiệp được thực chất, hiệu quả, công khai, minh bạch; những ý kiến, phản ánh của doanh nghiệp sẽ được tiếp thu, giải quyết thấu đáo trong thẩm quyền; những vấn đề vượt thẩm quyền của tỉnh sẽ được chuyển đến Quốc hội, Chính phủ để xem xét xử lý, giải quyết dứt điểm.
Về phía chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật; tăng tính minh bạch trong hoạt động… để đạt hiệu quả cao hơn, cũng như dễ dàng hơn trong việc thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Tỉnh Thái Nguyên luôn hỗ trợ và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức với tinh thần “đồng hành thật”, “làm đến nơi đến chốn”; từ đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.