Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, đơn vị và các doanh nghiệp đã thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn để hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn ra thuận lợi góp phần tăng thu ngân sách từ nguồn xăng dầu của tỉnh.
Không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu
Theo ông Nguyễn Quang Hưng – PCT UBND tỉnh Thái Bình cho biết, mặc dù gặp một số khó khăn song trên địa bàn tỉnh không bị đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn do giá xăng dầu thế giới biến động lớn thời gian qua, kéo theo nhiều tác động đối với giá cả mặt hàng này ở thị trường trong nước, đại diện nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị cơ quan chức năng cần điều chỉnh giá xăng dầu cho phù hợp diễn biến thị trường, đồng thời cần tính đúng, đủ chi phí kinh doanh thực tế để bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp.
Được biết, theo Dự thảo quy định do Sở Công Thương tham mưu xây dựng có quy định tổng thời gian bán hàng của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tối thiểu 12 giờ/ngày, khuyến khích doanh nghiệp đăng ký mở cửa bán hàng nhiều hơn thời gian tối thiểu. Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện niêm yết và bán đúng thời gian bán hàng tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã đăng ký với Sở Công Thương.
Bên cạnh quy định về đăng ký lần đầu, đăng ký thay đổi thời gian bán hàng, dự thảo còn quy định các điều kiện doanh nghiệp được dừng bán hàng, việc thông báo trước khi dừng bán hàng tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu tới cơ quan chức năng và người tiêu dùng.
Để tổ chức thực hiện, dự thảo quy định cụ thể trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan: Công Thương, Quản lý thị trường, UBND các huyện, thành phố, doanh nghiệp có cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Quang Hưng: Việc quy định thời gian bán hàng cần sớm được ban hành nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, phòng ngừa doanh nghiệp, cửa hàng đóng cửa để tích trữ, găm hàng chờ tăng giá ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời là cơ sở pháp lý giúp các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra, xử lý khi doanh nghiệp vi phạm.
Đây là văn bản quy phạm pháp luật nên Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện nội dung, thể thức của quy định, bảo đảm các yếu tố đúng pháp luật, ngắn gọn, súc tích, cụ thể, dễ hiểu, không để hiểu sai hoặc nhiều ý hiểu gây khó khăn trong thực hiện. Quy định chặt chẽ nhưng không để phát sinh thêm thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân kinh doanh xăng dầu. Ông Hưng giao Sở Công Thương tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các sở, ngành, khẩn trương hoàn thiện dự thảo quy định thời gian bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trình thành viên UBND tỉnh cho ý kiến và thực hiện các bước quy trình để UBND tỉnh ký ban hành thực hiện.
Gỡ khó
Tính đến tháng 6/2023 trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 239 cửa hàng xăng dầu thuộc 105 doanh nghiệp đã được Sở Công Thương cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu. Trong đó có 1 thương nhân đầu mối, 3 thành viên của thương nhân đầu mối, 10 thương nhân phân phối và 91 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. 5 tháng đầu năm 2023, thương nhân đầu mối và các thành viên của thương nhân đầu mối cung ứng ước đạt 212.143m3, bằng 34,92%; tổng sản lượng cung ứng của các thương nhân phân phối ước đạt là 288.316m3, bằng 83,31% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, lãnh đạo các sở, ngành trong công tác quy hoạch, thủ tục thuê đất, cơ chế, chính sách…
Theo ông Nguyễn Quang Hưng – PCT UBND tỉnh Thái Bình: Thời gian tới, đề nghị các doanh nghiệp, thương nhân cần phối hợp cung ứng bảo đảm ổn định, không để ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Khuyến khích mở rộng địa bàn tiêu thụ tại các tỉnh. Các sở, ngành, đơn vị vận dụng linh hoạt quy định pháp luật tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính và cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Bên cạnh giải quyết theo thẩm quyền, các ngành công thương, thuế, quản lý thị trường tổng hợp báo cáo bộ, ngành trung ương sớm tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động cung ứng xăng dầu ổn định và tích cực đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Trước đó, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành công văn nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Công văn số 4059 UBND-KT của UBND tỉnh Thái Bình để giải quyết khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng phục vụ nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh xăng dầu thông tin tình hình vay vốn tại hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh (tên ngân hàng hiện tại đang vay vốn, nhu cầu vay vốn thời gian tới), gửi Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Bình.
Đối với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Bình, UBND tỉnh giao đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tinh tháo gỡ khó khăn, giải quyết đề nghị của các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh xăng dầu.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh xăng dầu được vay vốn ngân hàng theo quy định, bảo đảm việc cung ứng đầy đủ xăng dầu và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.