Năm 2022, EVN ghi nhận giá vốn hàng bán tăng 16,7% lên 452.420 tỉ đồng khiến lợi nhuận gộp của tập đoàn giảm 73%, xuống còn 10.579 tỉ. Doanh thu tài chính cũng giảm 51% xuống còn 7.382 tỉ đồng. Số lỗ chênh lệch tỷ giá trong năm vừa qua của tập đoàn lên hơn 3.671 tỉ đồng, gấp gần 4 lần số lỗ của năm 2021.
Tính đến hết năm 2022, lượng tiền mặt và tương đương tiền của “ông lớn” điện lực này đạt 38.640 tỉ đồng, giảm không đáng kể so với năm 2021. Trong đó, lượng tiền mặt đang gửi ngân hàng không kỳ hạn là 7.419 tỉ đồng, giảm 50% so với năm 2021. Ngoài ra, EVN còn có khoản tiền đầu tư tài chính gồm tiền gửi có kỳ hạn và trái phiếu gần 63.000 tỉ đồng, giảm hơn 33.000 tỉ so với số đầu năm 2022. Số tiền gửi ngân hàng trong năm vừa qua cũng đã mang về cho tập đoàn hơn 3.724 tỉ đồng tiền lãi.
Trước đó, báo cáo về việc thua lỗ trong năm 2022, EVN đã đề xuất và được chấp thuận chính thức tăng giá điện từ ngày 4.5. Cụ thể, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% lên 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Vào cuối tháng 3, Bộ Công thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Báo cáo cũng công bố tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng, lãi tiền gửi…) năm 2022 của EVN lỗ 26.235 tỉ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).