Trong tuyên bố, KPPU không nêu rõ hai công ty này đang vi phạm các quy tắc gì. Đồng thời họ cho biết phiên điều trần về hành động của Shopee sẽ bắt đầu từ ngày 28/5, nhưng chưa hé lộ mức phạt cụ thể.
Tuy nhiên đến ngày Thứ Ba 28/5, KPPU đưa ra cáo buộc trong đó cho biết Shopee đang vi phạm quy tắc chống cạnh tranh bằng việc “điều hướng” khách hàng chỉ sử dụng một số dịch vụ giao hàng nhất định.
Cụ thể, trước kia người dùng Shopee khi đặt hàng có thể lựa chọn rất nhiều đơn vị giao hàng khác nhau. Tuy nhiên giờ đây Shopee chỉ còn hiển thị hai lựa chọn giao hàng, một trong số đó là từ đơn vị có sự hiện diện của lãnh đạo Shopee Indonesia trong ban giám đốc.
Trước cáo buộc này, đại diện Shopee cho biết họ đã tham dự phiên điều trần theo như yêu cầu của KPPU, nhưng không đưa ra bình luận trực tiếp. Người đại diện khẳng định Shopee luôn cam kết tuân thủ luật pháp Indonesia. Shopee dự kiến sẽ đưa ra lời bào chữa trong phiên điều trần vào tháng tới.
Trong khi đó, KPPU dường như đã tìm thấy bằng chứng chứng minh vi phạm của Lazada, vì tuyên bố hôm Thứ Hai có đoạn “có nhiều dấu hiệu cho thấy Lazada đã thực hiện các hành động phân biệt đối xử, hạn chế tính cạnh tranh, đồng thời những hành động này có thể gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng”. Các nguồn tin hé lộ rằng Lazada có thể đối mặt với mức phạt lên đến 50% lợi nhuận ròng hoặc 10% doanh thu kiếm được trong khoảng thời gian vi phạm.
Trước thông báo này, Lazada vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức.
Được chống lưng lần lượt bởi SEA Ltd và Alibaba, cả Shopee và Lazada đều là những thế lực thương mại điện tử đáng gờm tại thị trường Đông Nam Á. Đặc biệt Shopee đang đứng vững ngôi vương ở nhiều quốc gia thuộc khu vực này, bao gồm Indonesia và Việt Nam.
Trong quý I/2024, Shopee đạt doanh thu kỷ lục, chạm mốc 2,95 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một tin tức cực kỳ lạc quan, đặc biệt trong bối cảnh TikTok Shop phát triển như hiện nay.
Một trong những yếu tố giúp Shopee đạt thành công này chính là SPX Express, đơn vị tiếp vận do chính Shopee vận hành. Ông Tony Hour, giám đốc tài chính của SEA, từng hé lộ rằng hơn một nửa số đơn đặt hàng của Shopee ở Châu Á được đảm nhiệm bởi SPX Express.
Việc tự vận hành đơn vị tiếp cận đã giúp Shopee giảm chi phí và giữ lại rất nhiều lợi nhuận, thay vì phải san sẻ với các đơn vị tiếp vận bên ngoài. Hay nói cách khác, nếu sử dụng SPX Express, chi phí mỗi đơn hàng mà Shopee phải bỏ ra sẽ thấp hơn. Con số tiết kiệm được ước tính đến 15% so với cùng kỳ đối với thị trường Châu Á trong quý 1.
Ngoài ra, sở hữu đơn vị tiếp vận "cây nhà lá vườn" cho phép Shopee đem đến dịch vụ khác biệt hơn. Đại diện Shopee cho biết trong quý I/2024, khoảng 70% đơn hàng SPX Express ở Châu Á đã được giao trong phòng 3 ngày kể từ khi đặt hàng. Không chỉ vậy chi phí cũng sẽ được giảm phần nào. Chẳng hạn người Việt Nam đặt hàng các shop ở Trung Quốc trung bình chỉ mất 17.000đ tiền vận chuyển và thời gian giao đến Hà Nội chỉ khoảng 3 ngày.
Nhưng cũng chính vì SPX Express của Shopee quá mạnh như này và đang “đánh bạt” tất cả các công ty giao hàng đối tác khác đã đẩy Shopee vào tình trạng độc quyền. Đây sẽ là một bài toán khó cho sàn thương mại điện tử này vì mảng tiếp vận đang đóng một vai trò rất quan trọng trong sự tăng trưởng doanh thu của họ quý I vừa qua.