Tập đoàn bán lẻ Central Retail Việt Nam đã ký kết hợp tác với Công ty công nghệ sạch Sparklo trong dự án lắp đặt Máy Thu Gom Rác Thải Tái Chế (RMV - Reserve Vending Machine) tại hệ thống TTTM GO! trên toàn quốc.
Hai bên bắt đầu thảo luận việc hợp tác nhằm tối ưu hóa thực hành tái chế từ giữa năm 2023. Cũng trong năm ngoái, 12 máy đã được lắp đặt tại GO!. Từ giữa tháng 5/2024, dự án bắt đầu nhân rộng trên quy mô toàn quốc, với mục tiêu lắp đặt 86 máy tái chế Sparklo tại tất cả các TTTM GO! Mall thuộc Central Retail đến cuối năm 2024.
Để sử dụng máy, người dùng chỉ cần đưa các vỏ lon, chai rỗng vào trong máy. Máy sẽ tự phân loại, làm sạch và nghiền nát vật liệu để trở thành sản phẩm mới. Theo thông tin từ Sparklo, quá trình này giúp tiết kiệm 55% lượng khí thải CO2, 50% năng lượng tiêu hao và 20% dầu.
Với việc lắp đặt máy tái chế Sparklo, trong 4 tháng đầu năm 2024, Central Retail đã thu gom được 65.000 vỏ chai và gần 14.000 lon nhôm.
Trên thực tế, những chiếc máy tái chế tại chỗ kiểu như Sparklo không phải lần đầu tiên xuất hiện. Thậm chí chúng đã ra đời khá lâu và được áp dụng ở thế giới lẫn Việt Nam.
Năm 2021, Ủy ban Châu Âu (EC) từng đưa ra sáng kiến hỗ trợ các nước thành viên lắp đặt máy tái chế đồ nhựa ở các chuỗi siêu thị. Khi mua một sản phẩm làm từ nhựa, người mua sẽ bị tính thêm 0,15 euro. Số tiền này sẽ được hoàn trả nếu người dùng đem chai đến tái chế lại tại các máy tái chế.
Cũng trong cùng năm này, Pepsi đã có dự án thử nghiệm máy tái chế khá thành công. Họ kết hợp với Olyns, một đơn vị sản xuất máy tái chế nhựa, để lắp đặt máy tại một cửa hàng Safeway. Khi nhận chai, đồ nhựa, những chiếc máy Olyns sẽ nghiền nát chúng và phân thành từng loại. Máy sử dụng công nghệ nhận diện hình ảnh bằng AI để trả tiền cho người sử dụng. Mỗi khi thùng chứa đầy, ứng dụng điện thoại của Olyns sẽ phát ra cảnh báo, và những nhân viên đăng ký vận chuyển trên ứng dụng sẽ đến đưa những thùng này đến trung tâm tái chế. Mỗi máy Olyns có thể ép và lưu trữ 1.000 chai nhựa, 850 lon nhôm và 50 chai thủy tinh. Trong khuôn khổ thử nghiệm, PepsiCo đã thu gom được gần 1.000 thùng chứa rác tái chế.
Còn tại Việt Nam, từ ngày 18/10/2023, cửa hàng Annam Gourmet ở thành phố Thủ Đức và đã vào sử dụng máy tái chế vỏ chai nhựa thương hiệu Botol. Đây có thể xem là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam sử dụng máy tái chế nhựa tại chỗ thương hiệu Botol. Tham vọng của Botol còn lớn hơn Central Retail, khi họ mong muốn lắp đặt hơn 100 máy tái chế nhựa tại các siêu thị và trường học ở Việt Nam.
Máy tái chế nhựa là một sáng kiến hay và có ích cho việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Thế nhưng máy tái chế vẫn còn một số điểm bất cập. Hay nói cách khác, vẫn còn nhiều rào cản nếu muốn nhân rộng loại máy này.
Đầu tiên là về giá cả. Một chiếc máy tái chế không hề rẻ. Các doanh nghiệp sẽ mất nhiều tiền nếu muốn lắp đặt máy. Đây chính là trở ngại khiến bất kỳ ai cũng phải chùn chân, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ hoặc những địa điểm công cộng.
Thứ hai, máy tái chế vẫn chỉ tái chế được một số lượng hạn chế loại chất liệu. Phổ biến nhất là chai nhựa, tiếp đó là vỏ nhôm, thủy tinh, v.v.. Thế nhưng rõ ràng số lượng chất liệu cần tái chế là nhiều hơn như vậy.
Thứ ba, khi đã lắp đặt máy tái chế, doanh nghiệp phải thường xuyên bảo dưỡng, chăm sóc, nhằm tránh những sự cố không mong đợi. Khi ấy, doanh nghiệp lại phải tốn thêm một khoản tiền mới.
Thứ tư, là máy móc đôi khi không thể tránh khỏi hư hỏng. Đồng thời, có một số máy không dễ sử dụng, khiến người dùng phải mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu cách thức hoạt động và vận hành chúng.
Không chỉ những rào cản này, bản thân ngành máy tái chế vẫn chưa thể hiện được tiềm năng của mình. Theo các thống kê mới nhất, thị trường máy tái chế toàn cầu dự kiến vượt mức 630 triệu USD trong giai đoạn 2022 đến 2028. Đây là một con số khá khiêm tốn.
Hay nói theo như đánh giá của các chuyên gia, máy tái chế là một sáng kiến tốt, nhưng cũng chỉ là một giải pháp nhỏ lẻ, mang tính tạm thời, chưa thể giải quyết hiệu quả vấn nạn rác thải, hay rộng hơn là có tác động lớn đến những nỗ lực bảo vệ môi trường của thế giới. Nhưng với việc lắp máy tái chế, các doanh nghiệp cũng phát đi được thông điệp “chúng tôi quan tâm tới môi trường”. Như đại diện Central Retail khẳng định, họ muốn “truyền cảm hứng đến thế hệ mới về ý thức sống xanh và quan tâm, bảo vệ môi trường”.