Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024. Về sản xuất công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, sản xuất công nghiệp tháng 2/2024 ước tính giảm 18% so với tháng trước do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn vào trọn trong tháng Hai.
Mặc dù sản xuất công nghiệp tháng 2/2024 giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng tính chung 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2/2024 ước tính giảm 18% so với tháng trước và giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước; ngành chế biến, chế tạo giảm 6,5%; sản xuất và phân phối điện giảm 3,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,1%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%). Trong đó, ngành khai khoáng giảm 3,5% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,4%), làm giảm 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3,1%), đóng góp 5,2 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,6%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5% (cùng kỳ năm 2023 tăng 2,9%), đóng góp 0,04 điểm phần trăm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2024 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 27,7%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 25,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 24,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 23,4%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 23,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 22,1%; dệt tăng 17,6%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 0,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 0,6%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm so với cùng kỳ năm trước: Sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 21,8%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 9,4%; sản xuất đồ uống giảm 6,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 2,6%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 0,8%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 56 địa phương và giảm ở 7 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng chỉ rõ một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 2 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước: Xăng dầu tăng 44,7%; phân hỗn hợp NPK tăng 29%; thép cán tăng 24,1%; sơn hóa học tăng 22,4%; đường kính tăng 21,1%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 20,8%; thép thanh, thép góc tăng 18,6%; sữa bột tăng 15,3%; điện sản xuất tăng 12,1%.
Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Linh kiện điện thoại giảm 20,8%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 16,1%; ti vi giảm13,7%; bia giảm 11,5%; ô tô giảm 9,8%; sắt, thép thô giảm 8,6%; điện thoại di động giảm 6,7%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/2/2024 tăng 0,3% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 0,5% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước không đổi so với tháng trước và giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,1% và giảm 2,2%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,5% và tăng 0,4%.
Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 0,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,9% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,3% và giảm 0,7%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không đổi và tăng 0,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và tăng 1,8%.
Trên thực tế, với vai trò trụ cột của nền kinh tế, sản xuất công nghiệp đòi hỏi những lực đẩy mới mạnh mẽ, toàn diện hơn để hồi phục trong năm 2024. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dự báo năm 2024 sản xuất công nghiệp sẽ vẫn sẽ gặp khó khăn, cần có nhiều biện pháp tích cực hỗ trợ sản xuất và các biện pháp kích thích tiêu dùng để giải phóng hàng tồn kho.
Để có thể lấy lại đà tăng trưởng cao cần rất nhiều sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, các địa phương tiếp tục có các biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là đầu ra cho sản xuất thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho cao ở cuối năm 2023.
Ở góc độ cơ quan nhà nước, để góp phần bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp 7 - 8%, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, ngành công thương, tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép...
Theo Bộ Công Thương, toàn ngành bám sát kịch bản tăng trưởng và các chỉ tiêu kế hoạch của ngành Công Thương được Chính phủ giao năm 2024, tập trung triển khai các nhiệm vụ theo đúng tiến độ tại Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện các Nghị quyết 01 của Chính phủ, tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.