Dư địa phát triển còn lớn
Tại Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng 28/3, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, trong thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất nỗ lực để phát triển các mô hình khu công nghiệp mới theo định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đã thể chế hóa mô hình này tại các văn bản pháp quy.
Hiện nay cả nước có khoảng 418 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó có 298 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 92,2 nghìn ha. Vì vậy, dư địa để phát triển các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp bền vững là rất lớn.
Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định mô hình khu kinh tế có nhiều chức năng bao gồm cả khu công nghiệp. Do đó, việc phát triển đồng bộ, phát triển xanh trong hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ có những đóng góp tích cực và đáng kể vào nỗ lực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương đến tháng 8/2023, Việt Nam có 16 FTA đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán. Trong các FTA này, những yêu cầu về chuỗi ngành hàng chuỗi giá trị và các khâu về sản xuất xanh sạch rất quan trọng, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào thị trường khó tính. Đồng thời, mục tiêu để phát triển công nghiệp bền vững cũng đã được đưa vào các cam kết về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Tương tự, chiến lược Quốc gia và phát triển xanh giai đoạn 2021-2030 cũng như cam kết của Chính phủ tại COP26, là những yêu cầu bức thiết đặt ra đối với khu vực sản xuất công nghiệp để phát triển theo hướng xanh, bền vững.
Theo xu hướng này, mô hình khu công nghiệp truyền thống sẽ được thay đổi và phát triển theo hướng bền vững, tiệm cận với yêu cầu quốc tế. Nguyên lý của việc phát triển các khu công nghiệp bền vững bắt đầu từ sinh thái công nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất theo nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó hệ sinh thái công nghiệp được phát triển như một hệ sinh thái tự nhiên và sản phẩm của quá trình sản xuất đầu ra này có thể là quá trình đầu vào của quá trình sản xuất khác. Tương tự, các sản phẩm phụ hay sản phẩm thải bỏ của một quá trình sản xuất cũng là nguyên liệu hữu ích đầu vào cho một quy trình sản xuất khác.
Như vậy, những định hướng phát triển bền vững, định hướng về hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn, cộng sinh công nghiệp đã được xây dựng. Trước hết là ở cấp độ doanh nghiệp, thì chuyển đổi sẽ tập trung vào các giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, những giải pháp về công nghệ ít carbon, sử dụng hóa chất, hoặc sử dụng năng lượng tái tạo,...
“Chúng ta sẽ hướng tới việc kết nối các khu công nghiệp với cộng đồng dân cư xung quanh và tập trung vào việc phát triển thành phố, đô thị theo hướng bền vững. Trong đó nhấn mạnh vào việc sử dụng quản lý tốt rác thải, tái sử dụng, cũng như nâng cao trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng sản xuất công nghiệp.
Thứ nhất, yếu tố quan trọng trong việc chuyển đổi xanh là sự hợp tác giữa các nhân tố trong cùng một mạng lưới. Ví dụ trong khu công nghiệp thì đó là giữa các doanh nghiệp với nhau, trong quy mô thành phố là quan hệ giữa khu vực sản xuất công nghiệp với khu vực dân cư.
Thứ hai, là khả năng hợp nhất giữa các khoảng cách địa lý, với các khoảng cách gần thì sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn”, bà Hiếu cho biết.
Kinh nghiệm quốc tế
Cũng theo bà Vương Thị Minh Hiếu, trong quá trình nghiên cứu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham khảo một số mô hình ở các khu vực như châu Âu, Mỹ và các quốc gia phát triển tại Đông Bắc Á.
Một trong những ví dụ điển hình về khu công nghiệp sinh thái đó là khu công nghiệp Kalundborg của Đan Mạch, với chu trình khép kín và khả năng liên kết, trong đó có 11 doanh nghiệp tham gia hưởng lợi từ 7 mạng lưới hợp tác, trao đổi nguyên vật liệu và 6 hệ thống hợp tác trao đổi đổi về nước và năng lượng. Mục tiêu là giảm chi phí của các doanh nghiệp trong mạng lưới, tăng mức độ kết nối phát triển các hoạt động sản xuất của mình.
Gần với Việt Nam hơn là ví dụ của thành phố Kawasaki tại Nhật Bản, là một thành phố công nghiệp rất lớn. Chỉ trong 10 năm họ đã thực sự chuyển mình từ thành phố công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm sang thành phố xanh, sạch thông qua việc tái chế, tái sử dụng và thực hiện kinh tế tuần hoàn mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, đặc biệt những ngành nghề sản xuất phục vụ tiêu dùng.
Hay khu công nghiệp sinh thái Hàn Quốc được tiến hành trong khoảng 15 năm từ năm 2005 đến những năm 2019 và trải qua 3 giai đoạn. Ban đầu họ chỉ thí điểm ở một vài khu công nghiệp. Sau đó, mô hình này đã đem lại hiệu quả về mặt kinh tế lớn và tiết kiệm được nhiều tài nguyên từ việc tái sử dụng nguyên vật liệu. Vì vậy Hàn Quốc quyết định nhân rộng mô hình trên toàn quốc, cho đến khi kết thúc chương trình thì đã có khoảng 150 khu công nghiệp sinh thái. Hiện nay, Hàn Quốc đã chuyển sang một chương trình mới hơn, đó là kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải hướng tới giảm phát thải bằng 0.
Có thể nói, lợi ích của khu công nghiệp sinh thái và khu công nghiệp bền vững là rất lớn, giúp các doanh nghiệp sản xuất kết hợp được với nhau thực hiện các giải pháp xanh sạch hơn, tiết kiệm được chi phí và tối ưu hóa hoạt động sản xuất của mình.
Bên cạnh đó, họ cũng tăng thêm trách nhiệm về mặt môi trường, xã hội với cộng đồng xung quanh, từ đó nhận diện hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường sẽ được cải thiện.
Đặc biệt, mô hình phát triển bền vững cũng mang lại lợi ích cho cộng đồng xung quanh bằng cách giảm ô nhiễm, tăng chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, giảm hóa chất độc hại ra môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.
Nỗ lực của Việt Nam
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, tại Việt Nam, Bộ đã cùng với sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế triển khai hai giai đoạn phát triển khu công nghiệp sinh thái, tương tự như mô hình Hàn Quốc đó là: Giai đoạn 1, thí điểm thực hiện từ năm 2014-2019 với 3 khu công nghiệp tại 3 tỉnh thành phố đại diện cho ba miền, với những giải pháp can thiệp tại 72 doanh nghiệp trong khu công nghiệp, đạt được hiệu quả tiết kiệm tương đối lớn.
Giai đoạn 2, từ năm 2020 đến nay, các tỉnh thành phố như Hải Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh là những địa phương có mật độ khu công nghiệp rất lớn và điển hình về phát triển khu công nghiệp trên toàn quốc, với thời gian phát triển khu công nghiệp rất lâu, có nhiều đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương. Quá trình triển khai hiện nay vẫn đang tiếp tục và dự kiến giai đoạn này sẽ kết thúc vào năm 2024, để tiếp tục thực hiện giai đoạn 3 tại một số tỉnh thành phố khác.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có hợp tác với một số tổ chức quốc tế như World Bank và gần đây là kết hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu trong việc thiết kế là một số dự án hỗ trợ nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái trên toàn quốc.
“Thực tế, việc nỗ lực của các doanh nghiệp không chỉ giới hạn ở những doanh nghiệp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ, mà đơn cử như khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã chủ động thực hiện các giải pháp để phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn. Chúng tôi đánh giá đây là một trong những điển hình của khu công nghiệp tư nhân trong việc chủ động thực hiện cam kết quốc tế về phát triển bền vững của Chính phủ.
Về cơ chế hỗ trợ, chúng tôi nhấn mạnh vai trò của UBND các tỉnh trong việc hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp, để hỗ trợ việc kết nối và thực hiện các sáng kiến khu công nghiệp sinh thái, cũng như chuyển giao các công nghệ tiên tiến trong khu công nghiệp”, bà Hiếu nhấn mạnh.
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp hợp tác với nhau, để được sử dụng chung các hệ thống hạ tầng sản xuất tái sử dụng nguyên liệu sản xuất. Đồng thời có thể kết hợp với doanh nghiệp thứ ba ở ngoài khu công nghiệp trong việc hiện thực hóa các kết nối cộng sinh công nghiệp.
Tuy nhiên, vai trò quan trọng của việc hỗ trợ thực hiện giải pháp khu công nghiệp sinh thái là ban quản lý các khu công nghiệp tại các tỉnh thành phố. Ban quản lý có thể giao cho một đơn vị công lập thực hiện các chức năng xây dựng, cung cấp thông tin, kết nối, tư vấn quá trình triển khai thực hiện khu công nghiệp sinh thái.