Hết “nhuộm trắng”, “nhuộm xanh”, giờ thế giới mới có “nhuộm AI” (AI washing) để chỉ các công ty cố ý quảng bá sai lệch khả năng của AI hoặc chỉ dùng AI để đánh bóng tên tuổi mà không thực sự làm được.
AI đang là công nghệ nổi trội và quan trọng nhất của thế giới, với việc hàng loạt doanh nghiệp đã đang và sẽ triển khai các công cụ AI vào mô hình và bộ máy làm việc. AI rất hiệu quả, đó là điều không thể bàn cãi. Thế nhưng không phải lúc nào điều này cũng xảy ra, bởi vì một tình trạng gọi là “nhuộm AI”.
“Nhuộm AI”, tiếng Anh là AI washing, là thuật ngữ được sử dụng khi các công ty tạo nên tiếng vang và lừa dối các nhà đầu tư bằng những thông tin sai lệch về khả năng, giới hạn, rủi ro của các sản phẩm AI, cũng như gian dối về cách thức và thời điểm họ sử dụng AI.
Hiện tượng này bắt đầu từ đâu?
Muốn bắt kịp xu hướng là tâm lý chung của mọi người và mọi doanh nghiệp. Thống kê từ Goldman Sachs nhận thấy rằng trong báo cáo thu nhập quý 4, có đến 36% các công ty trong S&P 500 đã đề cập đến AI, chứng tỏ sức hút dữ dội của công nghệ này.
Thích và muốn cập nhật là một chuyện, thế nhưng thực hành lại là chuyện khác. Rất nhiều công ty không hiểu rõ AI có thể làm gì và cách tích hợp AI vào các hoạt động hiện tại. Trong khi đó, nhiều công ty lại thổi phồng về những tính năng không tưởng từ AI, chẳng hạn một cô bạn gái AI ngoan hiền.
Giới chức trách Mỹ rất nhanh đưa ra cảnh báo các doanh nghiệp không nên đưa ra các tuyên bố không đúng thực tế về trí tuệ nhân tạo. Ủy ban Thương mại Liên bang đã đưa ra lời cảnh báo cho các công ty tại Mỹ, rằng họ sẽ cảnh giác với những tuyên bố không có thật về trí tuệ nhân tạo trong quảng cáo, từ việc cường điệu hóa khả năng của các sản phẩm cho đến việc bịa đặt hoàn toàn. Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ cho biết, họ đang xem xét xem các công ty tuyên bố rằng sử dụng trí tuệ nhân tạo có thật sự nói thật hay không. Nếu họ gian dối trong vấn đề này thì sẽ buộc phải đối mặt với việc bị kiện
Nói là làm, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) vừa công bố hai cáo buộc (đã được giải quyết) liên quan đến hai công ty cố vấn đầu tư vì đưa ra những tuyên bố sai lệch và gây hiểu lầm về mục đích sử dụng AI.
Công ty đầu tiên là Delphia Inc. có trụ sở tại Toronto. Theo điều tra, Delphia đã đưa ra những tuyên bố sai lệch về cách sử dụng AI và cách mô hình máy học tích hợp dữ liệu khách hàng vào quá trình đầu tư. Chẳng hạn, họ khẳng định sẽ “sử dụng dữ liệu tập thể để giúp AI thông minh hơn, từ đó có thể dự đoán những công ty và xu hướng sắp tới để nhà đầu tư có thể đầu tư trước những người khác”.
SEC nhận định đây là tuyên bố gây hiểu lầm, vì vốn dĩ Delphia không có khả năng về AI và máy học như vậy. Tuyên bố này cũng khiến họ bị buộc tội vi phạm Quy tắc Tiếp thị vì đã quảng cáo sai sự thật. Số tiền mà Delphia phải nộp phạt là 225.000 USD.
Cái tên thứ hai là Global Predictions Inc. có trụ sở tại San Francisco. Trong hồ sơ cáo buộc, SEC cho biết họ phát hiện công ty này đã đưa ra những tuyên bố sai lệch và gây hiểu lầm về việc sử dụng AI trên website và trên mạng xã hội. Chẳng hạn, họ tuyên bố mình là “công ty cố vấn đầu tư bằng AI được quản lý đầu tiên” và nói dối rằng nền tảng của họ sẽ cung cấp các “dự đoán bằng AI”. Tiền phạt mà Global Predictions phải đối mặt là 175.000 USD.
Theo Chủ tịch Gary Gensler của SEC, mỗi lần có công nghệ mới nổi là lại có những trường hợp cố ý phóng đại hoặc nói dối về việc sử dụng công nghệ ấy. Đây là hành động rất nguy hiểm và sẽ gây tổn hại cho các nhà đầu tư.
Hiện tượng này cũng là một lời “cảnh tỉnh” với những ai quá cuồng AI. AI có tiềm năng lớn, đó là điều không thể phủ nhận. Thế nhưng chúng vẫn có giới hạn nhất định. Các cá nhân, doanh nghiệp cần tỉnh táo trước khả năng của AI. Đừng để một cái nhãn hào nhoáng nào đó về AI khiến bản thân bị mắc bẫy “nhuộm AI” và đưa ra các quyết định sai lầm.