Nguy cơ thua trên sân nhà
Trước hết khẳng định rằng, việc khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng nhập khẩu là hoàn toàn không có căn cứ pháp lý.
Điều 78, Luật Quản lý Ngoại Thương số 05/2017/QH14 quy định: “Không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu có biên độ bán phá giá không vượt quá 2%”. Tôi có cơ sở dữ liệu từ các nguồn uy tín để khẳng định rằng, biên phá giá sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam ước tính chỉ khoảng 1,26%, không đủ điều kiện để khởi xướng điều tra chống bán phá giá.
Theo Luật Quản lý Ngoại Thương, bên Nguyên đơn bao gồm Tập đoàn Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh phải chứng minh được thiệt hại của ngành sản xuất HRC nội địa thì mới đủ điều kiện khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu. Tại Việt Nam, chỉ có Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh là 02 doanh nghiệp có khả năng sản xuất được HRC. Tôi khẳng định rằng, không thể có thiệt hại của ngành sản xuất HRC trong nước bởi Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh đều đạt được sự tăng trưởng tốt về cả sản lượng sản xuất và sản lượng bán hàng trong giai đoạn 2019 – 2023. Ngoài ra, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh đạt hiệu quả sử dụng công suất rất cao, lần lượt là 97% và 73% trong năm 2023, và đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022.
Tôi xin lưu ý một thực trạng là Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh đang bán HRC cho các công ty tôn mạ và ống thép Việt Nam với giá cao hơn so với giá nhập khẩu HRC khoảng 10 – 20 USD/tấn, thậm chí có thời điểm cao hơn 40 – 50 USD/ tấn so với giá nhập khẩu HRC. Quan trọng hơn, dù bán HRC với mức giá rất cao, nhưng Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh luôn trong tình trạng không đủ HRC để bán.
Từ thực tế sản lượng sản xuất, sản lượng bán hàng HRC của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh tăng trưởng liên tục cùng giá bán luôn cao hơn giá nhập khẩu, kết hợp với hiệu quả sử dụng công suất luôn ở mức cao, hoàn toàn không có thiệt hại của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh.
Cần làm rõ rằng HRC là nguyên liệu để sản xuất nhiều loại thành phẩm khác nhau, bao gồm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, thép kết cấu và các loại thép khác. Trong trường hợp Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu, tất yếu giá nguyên liệu HRC nhập khẩu sẽ phải tăng lên do chịu thêm thuế chống bán phá giá. Như vậy, giá bán của thành phẩm tôn mạ, ống thép và các sản phẩm thép khác đều sẽ tăng lên tương ứng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ và ống thép Việt Nam ở cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.
Tại thị trường nội địa, nếu giá thép cán nóng nhập khẩu tăng cao do thuế chống bán phá giá, chắc chắn giá thành phẩm tôn mạ và ống thép do các công ty Việt Nam sản xuất cũng phải tăng tương ứng, như vậy chắc chắn không thể cạnh tranh lại được với tôn mạ và ống thép nhập khẩu vì hàng nhập khẩu đang sử dụng nguyên liệu giá rẻ hơn do Chính phủ các quốc gia khác không áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng. Tất yếu, các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam sẽ mất thị trường nội địa và thua ngay trên sân nhà. Trường hợp giá nhập khẩu HRC tăng do thuế chống bán phá giá mà các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam không tăng giá bán tương ứng với mức tăng của giá nguyên liệu, các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam sẽ không thể giữ được biên lợi nhuận - vốn dĩ đã tương đối thấp, dẫn đến nguy cơ có thể phá sản hàng loạt.
Bại trên sân khách
Đối với các thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam có khả năng tiếp tục thua trên sân khách. Khi Việt Nam áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu, đồng nghĩa thành phẩm tôn mạ và ống thép của các công ty tôn mạ và ống thép Việt Nam phải tăng giá bán tương ứng, tức đã chịu thuế chống bán phá giá 01 lần tại Việt Nam. Sau đó, khi các công ty tôn mạ và ống thép Việt Nam xuất khẩu tôn mạ và ống thép thành phẩm sang các quốc gia khác, chẳng hạn như Canada, các công ty tôn mạ và ống thép Việt Nam đối diện với nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá đối với thành phẩm. Như vậy, thành phẩm của các công ty tôn mạ và ống thép Việt Nam có khả năng sẽ phải chịu thuế chống bán phá giá lần thứ 02 tại thị trường xuất khẩu. Do đó, có nguy cơ tôn mạ và ống thép của các công ty Việt Nam sẽ phải chịu thuế chống bán phá giá 02 lần, lần thứ nhất tại Việt Nam và lần thứ hai tại thị trường xuất khẩu, thì chắc chắn giá bán của các sản phẩm tôn mạ và ống thép Việt Nam sẽ phải tăng rất cao so với giá bán sản phẩm tương tự từ các quốc gia khác, dẫn đến không thể cạnh tranh được và mất hoàn toàn thị trường xuất khẩu.
Tại Việt Nam, chỉ có Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh là 02 doanh nghiệp có khả năng sản xuất được HRC. Các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam luôn bắt buộc phải sử dụng HRC của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh khi sản xuất các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, Mexico vì phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ để không bị áp thuế chống lẩn tránh và phù hợp với các quy định của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tương tự, xuất khẩu sang Qatar, Oman hay Đài Loan cũng yêu cầu sử dụng nguyên liệu HRC được sản xuất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là sản lượng HRC mà Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh có thể cung cấp tại thị trường nội địa đang không đáp ứng đủ nhu cầu HRC trong nước.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ HRC của toàn Việt Nam hiện đang nằm trong khoảng 10 triệu đến hơn 13 triệu tấn mỗi năm, vừa phục vụ cho việc sản xuất thành phẩm, vừa dự trữ lượng hàng tồn kho cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy vậy, tổng công suất thiết kế của ngành sản xuất HRC trong nước, bao gồm Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh chỉ đang ở mức 8,2 triệu tấn/năm. Sản lượng HRC do 02 công ty này sản xuất được bán 50% cho thị trường xuất khẩu, còn lại 50% được bán tại thị trường nội địa.
Theo Báo cáo Hiệp hội Thép Việt Nam tháng 12/2023, sản lượng HRC do Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bán nội địa trong năm 2023 đạt 3,403 triệu tấn, được phân bổ bán cho các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, tôn màu, ống thép để làm nguyên liệu phục vụ cho công đoạn sản xuất kế tiếp. Như vậy, sản lượng các nhà sản xuất HRC Việt Nam bán tại thị trường nội địa hiện chỉ có thể đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu HRC của toàn Việt Nam. Chính vì nguồn cung HRC trong nước đang không thể đáp ứng đủ nhu cầu, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu.
Tôi muốn lưu ý rằng, số liệu thực tế cho thấy các công ty thành viên của Hòa Phát cũng phải nhập khẩu HRC liên tục trong 05 năm gần nhất, trong khi Hòa Phát là 01 trong 02 doanh nghiệp sản xuất và bán HRC trong nước. Điều này càng khẳng định chắc chắn rằng, cung HRC trong nước đang không đáp ứng đủ nhu cầu.
Ngoài ra, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh không đủ hàng để bán theo nhu cầu của từng doanh nghiệp tôn mạ và ống thép, mà họ phải áp mức trần sản lượng cho từng doanh nghiệp, hay nói cách khác là cấp quota mua hàng. Các doanh nghiệp chỉ có thể mua HRC trong quota được cấp. Do đó, các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép, để đủ nguyên liệu sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bắt buộc phải nhập khẩu HRC vì cung HRC trong nước đang chỉ đáp ứng được 30% tổng nhu cầu HRC toàn Việt Nam.
Mong đợi quyết định thấu tình đạt lý từ các cơ quan chức năng
Chúng tôi cho rằng nếu Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu, các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam sẽ mất cả thị trường nội địa lẫn thị trường xuất khẩu, dẫn đến doanh thu, lợi nhuận giảm dần đến khi phá sản, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hàng chục ngàn người lao động và vốn đầu tư của hàng trăm ngàn cổ đông. Nhà nước sẽ thất thu ngân sách từ các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT và các loại thuế phí khác.
Khi thuế chống bán phá giá áp dụng cho sản phẩm HRC nhập khẩu vào Việt Nam, giá thành HRC nhập khẩu sẽ tăng thêm bằng mức thuế chống bán phá giá. Từ đó, các công ty xuất khẩu HRC vào Việt Nam sẽ chuyển hướng xuất khẩu HRC sang các quốc gia khác đang không áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu.
Khi áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu, mặt bằng giá HRC nhập khẩu và HRC nội địa sẽ tăng thêm bằng mức thuế chống bán phá giá. Nguyên nhân vì Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh đang độc quyền nguồn cung HRC tại Việt Nam, cung lại không đủ cầu, nên 02 doanh nghiệp này có khả năng áp đặt giá bán và sẽ tăng giá bán HRC lên thêm mức bằng hoặc cao hơn mức thuế chống bán phá giá áp cho hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, tôi lưu ý rằng Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh hiện đang được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp bởi các dự án đầu tư mới. Như vậy, biên lợi nhuận của 02 doanh nghiệp này sẽ tăng lên bằng hoặc cao hơn mức thuế chống bán phá giá áp cho HRC nhập khẩu, nhưng Nhà nước chỉ thu được một phần nhỏ thuế thu nhập doanh nghiệp từ lợi nhuận tăng thêm của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh. Nói cách khác, mức thuế chống bán phá giá áp lên HRC nhập khẩu sẽ gần như là biên lợi nhuận ròng tăng thêm cho 02 doanh nghiệp này.
Vậy, rõ ràng việc áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu chỉ đem lại một phần nhỏ lợi ích cho Nhà nước, trong khi đặt toàn bộ gánh nặng lên người tiêu dùng, và làm sụp đổ cả một ngành tôn mạ và ống thép với công ăn việc làm của hàng chục ngàn người lao động cùng gia đình sau lưng họ. Do vậy, việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu là việc cần xem xét và cân nhắc thật sự kỹ lưỡng vì chỉ đem lại lợi ích cho 02 doanh nghiệp cụ thể.
Ngoài ra, nếu ngành tôn mạ và ống thép Việt Nam không thể trụ vững, sẽ ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và đầu tư công. Thứ nhất, tôn, thép dày, ống thép là những thành phần chính để xây dựng nhà xưởng trong các khu công nghiệp. Khi giá bán các sản phẩm này tăng, chắc chắn chi phí xây dựng nhà xưởng sẽ tăng theo. Điều này có thể làm giảm sự hấp dẫn trong việc thu hút vốn FDI. Thứ hai, việc giá tôn, thép dày, ống thép, thép kết cấu tăng lên sẽ khiến chi phí đầu tư công tăng lên tương ứng, dẫn đến tăng nợ công.
Điều tôi lo ngại là, nếu Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu thì các ngành nghề khác, đặc biệt là những ngành nghề chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam như ngành nông lâm thủy sản, sẽ đối mặt nguy cơ bị trả đũa thương mại thông qua việc các đối tác thương mại sẽ áp thuế chống bán phá giá hoặc dựng các rào cản thương mại khác để hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam. Nếu vấn đề trả đũa này xảy ra, hàng triệu người lao động thuộc rất nhiều ngành nghề khác nhau tại Việt Nam sẽ phải gánh chịu hậu quả cực kỳ nặng nề.
Chúng tôi, các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép cho rằng, trong điều kiện thương mại hiện tại, Nhà nước, Chính phủ đang điều hành nền kinh tế một cách rất phù hợp và giá cả các sản phẩm thép cũng đang hoạt động theo cơ chế thị trường. Do đó, chúng tôi mong rằng theo cơ chế hiện nay, Nhà nước sẽ ban hành các chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, từ đó đóng góp cho tăng trưởng GDP của đất nước.
9 doanh nghiệp thép và tôn mạ gồm Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Công ty CP Thép TVP, Công ty CP Thép Nam Kim... và một số doanh nghiệp được biết đã có văn bản gửi đến cơ quan chức năng trước thông tin Cục Phòng vệ Thươn mại (Bộ Công Thương) đã tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá với sản phẩm thép cán nóng. Trong văn bản kiến nghị gửi các cơ quan chức năng của nhóm 9 doanh nghiệp thép - tôn, các doanh nghiệp cho rằng nếu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại có thể ảnh hưởng đến ngành thép. |
* Ông Vũ Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Phó Tổng Giám đốc Trực CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG).