Bà Lâm Tố Trinh, Phó tổng giám đốc Đổi mới sáng tạo và Phát triển kinh doanh của Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam nhấn mạnh về việc các doanh nghiệp F&B Việt Nam muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo bà Lâm Tố Trinh, nhà xưởng có ba vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh của doanh nghiệp F&B.
Thứ nhất, nhà xưởng là “bộ mặt” thương hiệu, ảnh hưởng đến hình ảnh nhãn hàng và sản phẩm. Thứ hai, môi trường nhà xưởng đảm bảo vệ sinh sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Thứ ba, việc vận hành nhà xưởng hiệu quả sẽ giúp đơn vị tiết kiệm được năng lượng vận hành và tạo môi trường làm việc tốt hơn cho nhân viên.
Ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc điều hành Marketing Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) đánh giá, ngành sữa những năm gần đây chững lại không chỉ do kinh tế khó khăn sức mua suy giảm mà còn có sự cạnh tranh khốc liệt, nhiều sản phẩm thay thế, người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao, càng phân mảnh.
“Trước đây, khi làm marketing có thể đưa ra một thông điệp cho tất cả mọi người. Nhưng hiện nay mỗi người một yêu cầu, nên để đáp ứng được tất cả sẽ khó khăn hơn”, ông Trí nói.
Ngoài ra, các quy định, tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường xuất khẩu lớn về phát triển bền vững, cùng với những biến động khó lường của thị trường thế giới ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cũng là áp lực với nhà sản xuất.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một người hoạt động trong ngành sản xuất sữa, ông Trí cho rằng ngành hàng này còn dư địa phát triển rất lớn, sự sụt giảm nhu cầu do kinh tế khó khăn chỉ trong ngắn hạn. Do đó, Vinamilk đã chuẩn bị các bước cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.
“Phát triển bền vững là “hộ chiếu” để thương hiệu đến với nhiều thị trường. Cùng với đó, có ba yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng khi doanh nghiệp xác định được chất lượng sản phẩm, giá cả và dịch vụ hậu mãi”, ông Nguyễn Quang Trí nói.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. HCM, Chủ tịch Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) bình luận, thực tiễn năm 2023 cho thấy doanh nghiệp ngành F&B vẫn đang gặp nhiều khó khăn cả trong sản xuất cũng như kinh doanh.
Đơn cử, người tiêu dùng dần thay đổi hành vi mua hàng theo hướng cân nhắc, lựa chọn những sản phẩm đem lại lợi ích cho sức khỏe và có yếu tố bảo vệ môi trường nhiều hơn.
Doanh nghiệp ngành F&B cũng đang chịu nhiều sức ép thị trường quốc tế khi các nước đang đề ra những quy định cho hàng hóa nhập khẩu ngày càng khắt khe hơn.
Sự cạnh tranh đến từ các nước lân cận như Thái Lan hay Trung Quốc khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa giành được chủ động về xuất khẩu hàng hóa, thị trường, công nghệ sản xuất
Trước những thách thức này, ông Nguyễn Đặng Hiến đề xuất các doanh nghiệp F&B nên ưu tiên một số giải pháp ngắn hạn để thích nghi với bối cảnh hiện nay.
Cụ thể, doanh nghiệp F&B cần điều chỉnh việc cung ứng sản phẩm sao cho phù hợp với thị hiếu. Đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ quản lý và điều hành, đổi mới việc cung cấp sản phẩm để mở rộng sang các thị trường lân cận...
Đồng thời, ông Nguyễn Đặng Hiến cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nên “tính lại” chiến lược về sản phẩm, nguồn nhân lực, không bỏ qua khuynh hướng số hóa, tự động hóa và đặc biệt là phải đưa các sản phẩm theo xu hướng xanh, sạch và lành để thu hút thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.