PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) đã đề cập đến yêu cầu mới này tại hội nghị xúc tiến thương mại xuất khẩu xanh.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, yêu cầu chuyển đổi xanh và tham gia cuộc chơi thương mại đầu tư xanh toàn cầu là bắt buộc. Bên cạnh quy định về cơ chế CBAM, Liên minh châu Âu thông qua quy định về chống tổn thất mất mát rừng và tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu sau ngày 1/1/2025 mà không đáp ứng yêu cầu của châu Âu là không gây phá rừng sau ngày 31/12/2020 chịu ảnh hưởng của quy định.
Yêu cầu ứng phó với 3 cuộc khủng hoảng toàn cầu liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và bảo vệ đa dạng sinh học đã được toàn thế giới cam kết thực hiện. Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh: chúng ta không có quyền lựa chọn có chuyển đổi xanh hay không mà chỉ có lựa chọn duy nhất là đón bắt cơ hội của thế giới trong thực hiện chuyển đổi xanh.
Thông tin về các công cụ mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức triển khai liên quan đến chuyển đổi xanh, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ đề cập đến 3 nội dung chính. Thứ nhất, phân loại xanh để xác định tiêu chí dự án xanh.
Thứ hai, xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn làm công cụ để chuyển đổi xanh.
Thứ ba, hạch toán vốn tự nhiên và kinh tế môi trường. Đây là yêu cầu quan trọng được đề cập trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn cũng như thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn.
Trước đó, trao đổi với báo chí về khái niệm hạch toán vốn tự nhiên, TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cho biết, thực tế trong nhiều năm phát triển kinh tế, hạch toán vốn tự nhiên không được vào chi phí của hàng hóa, dịch vụ. Chúng ta chỉ tính chi phí về khai thác, không tính tới giá trị của tài nguyên đó được hình thành hàng tỷ năm, hàng triệu năm mới có được. Chúng ta đang hưởng lợi nhờ thiên nhiên.
Tuy nhiên, trong giai đoạn thực hiện quy định của EU và nhiều nước trên thế giới về chuyển đổi xanh, hạch toán vốn tự nhiên rất quan trọng. Theo hệ thống hạch toán kinh tế môi trường của Liên Hợp Quốc, cần hạch toán theo 3 trụ cột: hạch toán về mặt số lượng, chất lượng; hạch toán về mặt lượng giá; xác định giá trị tài nguyên vốn tự nhiên và xác định vị trí tài nguyên vốn tự nhiên.
Chẳng hạn, đối với xuất khẩu thuỷ hải sản, chúng ta cần xác định đánh bắt cá ở đâu, có vi phạm luật hay không? Việc hạch toán thống kê không chỉ ở chỗ số lượng, chất lượng mà còn tính toán được vị trí, luồng di chuyển của tài nguyên.
Để thực hiện yêu cầu xuất khẩu nông sản không liên quan đến phá rừng, các ngành hàng bắt buộc phải theo dấu, theo vết, chứng minh việc sản xuất mặt hàng đó không liên quan đến phá rừng. Đây là yêu cầu khó khăn với Việt Nam bởi các doanh nghiệp đều có quy mô vừa và nhỏ, trong khi doanh nghiệp lớn thực hiện hạch toán dễ dàng hơn.
Từ thực tế, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt đưa hạch toán kinh tế môi trường vào Luật Thống kê để hạch toán thống nhất trên phạm vi cả nước, làm cơ sở căn cứ để báo cáo hạch toán nguyên nhiên vật liệu, hạch toán được carbon, vốn tự nhiên và các nội dung liên quan đáp ứng yêu cầu của EU và các nước phát triển.