Chủ trì “Hội nghị trực tuyến Đối thoại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang lần 1 năm 2024”, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Trong những năm gần đây, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp rất nhiều khó khăn nhưng cộng đồng doanh nghiệp không ngừng phát triển về số lượng, chất lượng và quy mô. Năm 2023, toàn tỉnh có 1.500 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 15.900 tỷ đồng, đạt 100% về số lượng và bằng 66,0% về số vốn so với kế hoạch. Tính chung cả năm 2023, toàn tỉnh có 11.971 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 207.979,80 tỷ đồng, đã và đang có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng góp ngân sách vào Nhà nước.
Khoá khăn “bủa vây” doanh nghiệp
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, bên cạnh các doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội, chung tay thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh thì, sự phục hồi kinh tế của tỉnh và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa được như kỳ vọng, còn nhiều khó khăn mà doanh nghiệp cần sự chia sẽ, đồng hành để tháo gỡ từ các cấp, các ngành...
Điển hình tại “Hội nghị trực tuyến Đối thoại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang lần 1 năm 2024” diễn ra chiều 24/5, đại diện Công ty CP Gỗ MDF VRG Kiên Giang cho rằng: Hiện Công ty đang vướng mắc về cơ chế khai thác rừng phòng hộ tại Kiên Giang đặc biệt là khu vực rừng phòng hộ tại huyện An Minh. Bên cạnh đó, Công ty cũng vướng trong việc chuyển đổi quyền sở hữu rừng sản xuất Hòn Đất từ Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam sang Công ty. Hướng dẫn cách thức chuyển đổi tên sở hữu nhận khoán rừng phòng hộ từ Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam sang Công ty.
Ở góc độ khác, để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay và có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp, Công ty CP Bia Sài Gòn Kiên Giang kiến nghị, các ngân hàng cơ cấu lại nợ vay, gia hạn nợ và điều chỉnh số tiền trả nợ gốc; Cơ quan thuế tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm thuế, gia hạn, giãn nộp các loại thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và các thuế khác có phát sinh (các chính sách miễn giảm thuế hiện nay chỉ áp dụng cho các ngành nghề khác, riêng ngành sản xuất bia thì không được hỗ trợ); Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài ưu tiên giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương đặc biệt là sản phẩm bia KGB.
Đại diện công ty CP Thái Bình Kiên Giang mong muốn, tỉnh tuyên truyền, quảng bá thông tin tuyển dụng, thu hút lao động tại địa phương chưa có việc làm và lao động địa phương đang làm việc ngoài tỉnh. Mở các sàn giao dịch, hội chợ việc làm tạo sự kết nối giữa công ty với người lao động tại các địa bàn xã, huyện lân cận như: Hòn Đất, Tân Hiệp, Giồng Riềng và An Biên.
Đặc biệt, đại diện Công ty TNHH Huy Nam đề nghị các cơ quan nhà nước giảm tần suất thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách của nhà nước.
Còn theo Công ty CP Chế biến Thủy sản Xuất nhập khẩu Kiên Cường kiến nghị, tỉnh cần đơn giản hơn nữa các TTHC để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Riêng lĩnh vực đất đai, đại diện Công ty CP Thương mại Kiên Giang kiến nghị các Sở ngành liên quan sớm tháo gỡ vướng mắc, xác định giá cho thuê đất và trình Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh để ban hành giá cho thuê đất đối với 03 thửa đất tại xã Mong Thọ, huyện Châu Thành (diện tích 52.893 m2), tại phường Vĩnh Thông, thành phố Rạch Giá (diện tích 489 m2) và tại phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá (diện tích 99,2 m2), giúp doanh nghiệp hoàn thành thủ tục pháp lý đế khai thác và sử dụng.
Mặt khác, UBND tỉnh sớm có giải pháp kịp thời trong việc cấp giấy xác nhận nguyên liệu thuỷ sản khai thác (SC), chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác (CC). Hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thuỷ sản đóng hộp của KTC ra thị trường khu vực và thế giới.
Đối với lĩnh vực giao thông, đại diện Công ty CP Tàu cao tốc Superdong Kiên Giang đề xuất trong giai đoạn khó khăn hiện nay, cơ quan thẩm quyền hỗ trợ chính sách giữa quý 3 và quý 4 năm 2024: Giảm phí thuế từ 30% - 50%/ tháng; Giảm phí dịch vụ từ 30% - 40%/ tháng.
Cùng quan điểm trên, đại diện Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc Kiên Giang kiến nghị tỉnh xem xét giảm giá phí cầu cảng xuống còn 2.000 đồng/ghế theo như biểu giá tại văn bản số 22/2017/QĐ-UNBD về việc quy định giá dịch vụ sử dụng cảng, bến thuỷ nội địa được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; xem xét tính giá dịch vụ theo số khách thực tế đi tàu, qua đó tháo gỡ được phần nào khó khăn cho doanh nghiệp, qua đó doanh nghiệp có điều kiện hỗ trợ lại khách đi tàu.
Đối với lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đại diện Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đề nghị tỉnh sớm xem xét xúc tiến các thủ tục tại khu đất triển khai xây dựng nhà máy gắn với vùng nguyên liệu (tại kênh T4) ấp Lung Lớn, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương.
Coi doanh nghiệp là người bạn đồng hành
Trước 34 kiến nghị của 16 doanh nghiệp về những vướng mắc khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đã được các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tháo gỡ. Các “nút thắt” liên quan đến các Bộ ngành cũng được tỉnh ghi nhận và có văn bản kiến nghị đến Bộ, ban ngành TƯ.
Đáng chú ý, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, đáp ứng sự mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, bà Quảng Xuân Lụa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch (KITRA) bộc bạch: Tới đây KITRA sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tiếp tục đổi mới công tác đối thoại, xử lý phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời.
“Đồng thời, nghiên cứu xử lý dứt điếm những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp theo thẩm quyền được phân công và có văn bản gửi UBND tỉnh xin ý kiến, đề xuất hướng xử lý đối với các trường hợp vượt thấm quyền giải quyết” bà Lụa cho hay.
Đồng quan điểm trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành, đánh giá cao những ý kiến tham gia, chia sẻ đầy trách nhiệm, tâm huyết của các hội, hiệp hội, doanh nghiệp và các đại biểu đối với những khó khăn chung mà tỉnh đã đối mặt trong thời gian qua.
Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền cho rằng: Các khó khăn, nguyện vọng của doanh nghiệp còn nhiều, chưa thể nói hết nhưng với những ý kiến đề xuất, trao đổi thẳng thắn tại buổi đối thoại hôm nay sẽ giúp cho các ngành, các cấp rút ra được hướng chỉ đạo, điều hành tốt hơn trong thời gian tới. Đối với những nội dung còn khó khăn vướng mắc chưa được giải đáp.
“Vì vậy, đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục chuyển văn bản về Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang (KITRA) tổng hợp để được trả lời, giải đáp phù hợp” ông Lâm Minh Thành nhấn mạnh.
Cùng với đó, người đứng đầu UBND tỉnh đưa ra 5 yêu cầu khẳng định sự quyết tâm đồng hành phục vụ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, thứ nhất, Giám đốc (Thủ trưởng) các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: Định kỳ hàng tháng thực hiện tốt việc sắp xếp thời gian gặp gỡ với doanh nghiệp; hàng quý phải tổ chức đối thoại với doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời có biện pháp xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp theo thẩm quyền và đối thoại đột xuất theo yêu cầu. (thực hiện nghiêm theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 1180/TB-VP ngày 13/11/2023).
Đối với các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền, các Sở, ngành, địa phương phải khẩn trương tổ chức thực hiện, phải có văn bản trả lời cho doanh nghiệp và gửi về Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang để tổng hợp, công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trung tâm Xúc tiến để các doanh nghiệp được biết, theo dõi. Đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh thì tham mưu UBND tỉnh giải quyết và cũng phải có văn bản trả lời cho doanh nghiệp biết. Đối với các kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền của tỉnh thì ghi nhận, tham mưu UBND tỉnh báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền xử lý. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi.
Giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang (KITRA) theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện của các Sở, ban, ngành, địa phương; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả giải quyết các kiến nghị của các Sở, ban, ngành và địa phương có liên quan.
Thú hai, giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Nhàn, Tổ phó thường trực Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh tiếp tục làm việc và chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương giải quyết các kiến nghị còn chưa thỏa đáng để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ ba, giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang (KITRA) nghiên cứu lại các bộ Chỉ số PCI để thông tin cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiểu thêm về các Chỉ số. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành Bộ tiêu chí đánh giá và triển khai thực hiện đối với Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành và cấp huyện (DDCI) để đánh giá chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp Sở, ngành và cấp huyện.
Thứ tư, đề nghị cơ quan Thuế, Ngân hàng Nhà nước và các Tổ chức tín dụng tiếp tục quan tâm triển khai kịp thời, hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện đối với các chính sách hỗ trợ, miễn giảm thuế, phí; gia hạn, miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, kiến nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xem xét, hướng dẫn giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phụ trách.
Thứ năm, đề nghị các hội, hiệp hội cần phát huy hơn nữa vai trò kết nối hỗ trợ các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn thích ứng với tình hình mới; các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất; mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ở khu vực và thế giới.
“Tôi rất cảm ơn doanh nghiệp đang đồng hành với tỉnh nhà Kiên Giang. Giai đoạn vừa qua mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, lạm phát toàn cầu... nhưng các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn để đóng góp cho sự phát triển kinh tế cả nước nói chung, Kiên Giang nói riêng. Kiên Giang luôn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, sẵn sàng tìm doanh nghiệp về với Kiên Giang. Cùng với chính sách của Chính phủ, Kiên Giang sẽ nỗ lực tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là cải cách TTHC. Ngoài ra, những khó khăn vướng mắc mà chính quyền địa phương giải quyết chưa tốt các doanh nghiệp cũng nên mạnh dạn phản ánh để tỉnh kịp thời tháo gỡ, xử lý... Đồng thời, các doanh nghiệp cùng với tỉnh thực hiện tốt ứng dụng chuyển đổi số, một nhiệm vụ rất quan trọng mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Tôi cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác đoàn kết, tự lực tự cường, nỗ lực, cùng góp sức chung tay với chính quyền phấn đấu hoàn thành mục tiêu: Giữ vững và phát triển ổn định kinh tế tỉnh nhà” - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành chia sẻ.