Google đang đàm phán với Universal Music (UMG), một hãng thu âm lớn bậc nhất thế giới và đang nắm rất nhiều bản quyền âm nhạc, để phát triển một công cụ cho phép người dùng sử dụng giọng hát của các nghệ sĩ, lời bài hát hoặc các đoạn nhạc có bản quyền để đẩy vào AI tạo sinh và tạo ra sản phẩm mới.
Đây là một bước đi khá nhanh và mang tính “tiên hạ thủ vi cường” của Google. Trong khoảng 1 năm trở lại đây, các phần mềm AI tạo sinh bùng nổ và được dự đoán sẽ thay đổi, định hình lại ngành công nghiệp sáng tạo ở mọi cấp độ. Nhưng đi kèm với đó là hàng loạt những lùm xùm, kiện tụng về bản quyền bởi sự phát triển của AI đã tạo ra các sản phẩm “deepfake” có thể bắt chước giọng hát, lời bài hát hoặc âm thanh của các nghệ sĩ thành danh một cách chân thật mà chưa được sự đồng ý của họ.
Theo thỏa thuận giữa Universal Music và Google, các nghệ sĩ, chủ sở hữu quyền tác giả sẽ nhận một khoản tiền bản quyền. Các nghệ sĩ sẽ có quyền tùy chọn tham gia. Mục tiêu của thỏa thuận là tạo ra sự công bằng và minh bạch để các nghệ sĩ và nhạc sĩ được trả thù lao xứng đáng khi sản phẩm của họ được sử dụng để AI tạo ra âm nhạc.
Theo hệ thống được đề xuất, các nghệ sĩ sẽ cho phép Google và Universal Music được sử dụng giọng nói của họ cho các bài hát do AI tạo ra. Do vậy, họ sẽ nhận được một phần tiền bản quyền từ những bài hát đó. Số tiền bản quyền sẽ dựa trên một số yếu tố như mức độ phổ biến của bài hát và thời lượng sử dụng giọng hát của nghệ sĩ.
Đổi lại, thỏa thuận này sẽ cho phép các mô hình AI của Google học hỏi các phong cách thanh nhạc và biểu cảm từ các ca sĩ của Universal Music, đồng thời tạo ra các bài hát mới có âm hưởng tương tự.
Trong thời gian gần đây, sáng tác nhạc bằng công cụ AI trở thành xu hướng vừa nhận được sự ủng hộ vừa vấp phải phản ứng dữ dội của các hãng thu âm và nghệ sĩ. Hồi đầu năm, rapper Drake đã phản ứng dữ dội sau khi giọng của anh xuất hiện trong bài hát “Heart on My Sleeve” do người dùng TikTok sử dụng AI tạo ra. “Không thể chấp nhận được điều này”, anh Drake nói.
Ngược lại, Grimes và một vài nghệ sĩ khác ủng hộ việc phát triển nhạc do AI tạo ra. Ca sĩ Grimes cho phép mọi người dùng giọng của mình để tạo ra bài hát “mà không bị phạt” miễn là cô nhận được 50% tiền bản quyền.
Như vậy có thể thấy rằng, nếu thỏa thuận được triển khai, thì nó sẽ là một bước đột phá trong việc tìm hiểu cách dữ liệu và AI phối hợp với nhau trong tương lai. Điều này cũng sẽ giải quyết mối tranh cãi lớn xung quanh AI tổng quát trong việc nó thu thập thông tin, nội dung cung cấp cho người dùng. Mặc dù có vẻ như nội dung là mới và được chính AI “tạo ra”, nhưng thực chất đây lại là dữ liệu được lấy từ các nguồn và được ghép lại với nhau thành nội dung mới.
Về phía Google, thỏa thuận sẽ giúp công ty cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ điển hình như Meta. Bởi, ông lớn “Big tech” này cũng đang phát triển các sản phẩm âm thanh AI. Hồi đầu tháng 8, Meta đã ra mắt nền tảng AI AudioCraft cho phép người dùng tạo nội dung âm thanh và nhạc của riêng mình chỉ bằng một vài bước đơn giản.
Các cuộc thảo luận giữa Google và Universal Music đang ở giai đoạn đầu và hiện chưa có thoả thuận nào được thông qua. Tuy nhiên, mục tiêu của các cuộc thảo luận là phát triển một công cụ để người hâm mộ tạo các bản nhạc một cách hợp pháp và trả tiền bản quyền xứng đáng cho chủ sở hữu.
Sự gia tăng của các sản phẩm âm nhạc “deepfake” do AI tạo ra khiến các nhà quản lý âm nhạc nhớ lại những ngày đầu khi YouTube xuất hiện, khi mà người dùng bắt đầu thêm các bài hát nổi tiếng làm nhạc nền cho video họ tạo ra. Ngành công nghiệp âm nhạc đã dành nhiều năm đấu tranh với YouTube về vấn đề vi phạm bản quyền. Cuối cùng, hai bên đã thiết lập một hệ thống hiện trả cho ngành công nghiệp âm nhạc khoảng 2 tỉ USD mỗi năm.
Tương tự, các cuộc đàm phán giữa Google và công ty âm nhạc lớn nhất thế giới UMG hiện tại đánh dấu bước nhảy vọt đáng kể về AI, mở ra cánh cửa cho các chuyên gia âm nhạc, những người đam mê và người sáng tạo nội dung khám phá những chân trời mới. Điều này cũng thể hiện mong muốn của các công ty công nghệ lớn là trở thành người đầu tiên tung ra các nền tảng thân thiện với người dùng nhằm chuyển ý tưởng thành hiện thực âm nhạc. Điều này cũng thể hiện tương lai của AI trong âm nhạc, cung cấp cái nhìn sâu sắc về các cơ hội và rủi ro tiềm ẩn.
Rõ ràng, vấn đề cấp phép và bản quyền trong thời đại âm nhạc do AI tạo ra phức tạp hơn nhiều. Một khi thỏa thuận giữa các công ty lớn đạt được thì sẽ dẫn đến sự cân bằng giữa các bên như quyền của các nghệ sĩ, lợi nhuận của nhà phát triển AI và cả lợi ích của người dùng.