Hàng loạt các CEO các tập đoàn bán lẻ bị "đổi chỗ" liên tục, từ Starbucks, Gap và mới nhất là Nike.
Các nhà phân tích đánh giá sự ra đi của Donahoe là điều không thể tránh khỏi sau thời kỳ suy thoái và hoạt động kém hiệu quả kéo dài của Nike.
“Trong nhiệm kỳ của Donahoe, Nike đã mắc một số sai lầm khiến thương hiệu này suy yếu. Nike cần phải có sự thay đổi để chấm dứt giai đoạn hoạt động rất kém và chứng minh rằng một cuộc ‘cách mạng’ đang diễn ra”, Neil Saunders, giám đốc điều hành của GlobalData Retail đánh giá.
Các nhà đầu tư đã bày tỏ sự tin tưởng vào việc thay tướng và thay đổi hướng đi của Nike này, thể hiện bằng việc cổ phiếu tăng trong giao dịch trước giờ mở cửa.
Nhưng như Saunders chỉ ra, việc gửi tín hiệu đến thị trường là một chuyện, nhưng thuyết phục người tiêu dùng lại là chuyện khác. “Việc thay đổi người điều hành không tự động đưa ‘con ngựa’ Nike vượt lên đầu”, ông nói.
Mặc dù Donahoe đã bị chỉ trích vì thiếu sự đổi mới sản phẩm và tiếp thị không hấp dẫn, vốn là hai yếu tố chính tạo nên thành công của Nike, nhưng thực tế là việc điều hành một tập đoàn bán lẻ trong thời điểm này rất khó khăn.
Thời “thắt lưng buộc bụng”
Thời đại chi tiêu xa xỉ sau đại dịch đã kết thúc. Doanh số bán lẻ chỉ tăng 0,1% vào tháng 8, chậm lại so với mức tăng 1,1% vào tháng 7 vì một số người mua sắm đang trở nên có ý thức hơn về chi phí và có chọn lọc hơn khi mua hàng.
Điều này đang tạo ra một môi trường đầy thách thức hơn cho các nhà bán lẻ. Một số chuỗi cửa hàng, như các đại siêu thị Walmart hay Target, đã bắt đầu giảm giá để thu hút hơn người tiêu dùng.
Những chuỗi khác đang tìm ra những cách sáng tạo để thu hút nhiều khách hàng hơn.
Các giám đốc trong lĩnh vực bán lẻ được giao nhiệm vụ lèo lái công ty vượt qua vùng nước đầy sóng gió và khó lường này. Và ngày càng có nhiều hội đồng quản trị xem xét lại liệu những nhà điều hành của họ có đủ khả năng đảm nhiệm công việc hay không.
Trong khoảng một năm trở lại đây, thị trường đã chứng kiến sự ra đi của nhiều vị tổng giám đốc khỏi các tập đoàn bán lẻ lớn như Gap, Bed Bath & Beyond hay Adidas. Theo dữ liệu từ công ty Challenger, Gray & Christmas, tỷ lệ luân chuyển giám đốc trong ngành bán lẻ đã tăng gấp đôi vào năm 2023 và đạt mức cao nhất kể từ năm 2019.
Các chuyên gia cho biết mức luân chuyển bất thường này có liên quan chặt chẽ đến đại dịch, khiến ngành bán lẻ bị đảo lộn. Người tiêu dùng mua sắm ở nhà và không đến cửa hàng, mua sắm trực tuyến tăng vọt, chuỗi cung ứng rơi vào hỗn loạn và các khoản hỗ trợ kinh tế kích thích thúc đẩy nhu cầu, khiến việc đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trở nên gần như không thể.
Nhưng khi các hạn chế được nới lỏng và lá chắn bảo vệ của đại dịch được dỡ bỏ, các CEO trở nên dễ bị tổn thương hơn khi hội đồng quản trị đặt câu hỏi liệu họ có phải là những người phù hợp để dẫn dắt các doanh nghiệp này vào giai đoạn tiếp theo hay không.
"Ghế nóng" CEO
Xu hướng thay CEO này vẫn tiếp tục vào năm 2024. Tháng trước, CEO của Starbucks Laxman Narasimham đã từ chức sau khoảng 17 tháng tại vị. Nhiệm kỳ của ông bị ảnh hưởng bởi sự chỉ trích công khai từ CEO lâu năm Howard Schultz, doanh số giảm và áp lực từ các nhà đầu tư tích cực.
Cùng tháng đó, CEO của Nestle đã bị cách chức sau tám năm tại vị. Một người trong cuộc nói với Reuters rằng hội đồng quản trị đã lo ngại về tăng trưởng doanh số và quá trình phát triển sản phẩm chậm lại.
“Có một sự thiếu kiên nhẫn mới ở cấp độ hội đồng quản trị”, Jim Rossman, giám đốc tư vấn cổ đông toàn cầu tại Barclays, nhận xét.
“Với đại dịch COVID-19 đã qua và một số dữ liệu kinh tế mạnh hơn, có rất nhiều điều để đánh giá khả năng quản lý của một CEO và nếu họ không thực hiện tốt thì họ sẽ bị loại”, ông nói thêm.
Có vẻ như quãng thời gian sóng gió với vị trí giám đốc mảng bán lẻ vẫn còn khá dài phía trước.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...