Mặc dù còn khá sớm để nói rằng những thay đổi nhận diện thương hiệu lần này của Vinamilk là rất thành công, nhưng với việc đưa màu sắc và logo mới nổi bật khắp mạng xã hội, bước đầu đã đem lại những hiệu quả nhất định.
Đầu tháng 7 vừa qua, nhà sản xuất sữa được định giá 2,8 tỷ USD của Việt Nam, Vinamilk đã chính thức công bố nhận diện thương hiệu mới, với tinh thần “táo bạo, quyết tâm và luôn là chính mình” sau 47 năm không ngừng nỗ lực trên thị trường.
“Phủ xanh” mạng xã hội
Theo giới thiệu của Vinamilk, thương hiệu này đã phải mất hơn một năm để “thai nghén” cho lần tái định vị này với đội ngũ thực hiện là những người có tên tuổi trên thế giới. Mặc dù vậy, ngay sau khi trình làng, bộ nhận diện thương hiệu mới của công ty cũng vấp phải không ít ý kiến trái chiều, khen cũng lắm mà chê cũng nhiều. Tuy nhiên, nhìn chung những thay đổi nhận diện thương hiệu của Vinamilk đã tạo nên “cơn sốt” thực sự trên truyền thông và mạng xã hội.
Có thể nói, những thay đổi nhận diện thương hiệu lần này đã giúp Vinamilk “phủ xanh” trên khắp nền tảng mạng xã hội, tăng độ nhận diện đối với công chúng bằng cách mang thiết kế mới của mình lan tỏa rộng rãi. Không chỉ có công chúng, mà các thương hiệu, nhãn hàng lớn nhỏ khác đều “đu trend” thay đổi avatar theo “phong cách Vinamilk”.
Chiến lược tái định vị thương hiệu không phải là sự làm lại hoàn toàn bản sắc của công ty mà đó là sự điều chỉnh có tính toán. Thường thì các doanh nghiệp nhắm đến việc cập nhật trạng thái, liên kết, thông điệp cốt lõi của thương hiệu trong khi vẫn giữ được bản sắc liên tục, dễ nhận biết. Trong quá khứ, người ta có thể thấy những “gã khổng lồ” trên thế giới như Starbucks hay là McDonald’s đã từng buộc phải thay đổi nhận diện thương hiệu của mình khi muốn tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới bên ngoài các sản phẩm truyền thống hoặc tìm kiếm lại danh tiếng và tạo cho công ty một bản sắc mới.
Quay trở lại với trường hợp của Vinamilk, suốt 47 năm qua, công ty luôn tự hào là thương hiệu đã chăm sóc sức khỏe cho người tiêu dùng Việt Nam và luôn hướng đến giá trị sản phẩm tốt nhất, mở rộng khả năng chăm sóc đa dạng hơn trong tương lai. Vì thế, kỳ vọng lớn nhất của Vinamilk sau lần thay đổi nhận diện thương hiệu có thể là mục đích hướng đến sự táo bạo, hiện đại và kết nối nhanh hơn với người tiêu dùng.
Tham vọng tiếp tục dẫn đầu?
Trên thực tế, doanh thu thị trường sữa nội địa của Việt Nam đạt tổng cộng 8,4 tỷ USD trong năm 2021, theo Research and Markets. Với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 10%, thị trường sữa Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 8,4 tỷ USD lên con số 19,8 tỷ USD vào năm 2030.
Bên cạnh đó, cũng theo Research and Markets dự báo, mức tiêu thụ bình quân sữa đầu người tại Việt Nam sẽ đạt 40 lít/người/năm vào 2030, tương đương tốc độ tăng trưởng kép khoảng 4% hàng năm. Điều này cho thấy thị trường còn nhiều dư địa để phát triển và các nhà sản xuất sữa đang tràn đầy cơ hội.
Trong khi đó, theo báo cáo của Euromonitor ước tính có khoảng 200 nhà sản xuất sữa tại Việt Nam, nhưng chỉ có ba công ty sữa hàng đầu chịu trách nhiệm cho phần lớn sản lượng sữa. Trong đó Vinamilk hiện chiếm khoảng 55% thị phần sữa Việt Nam, với mạng lưới 244 nhà phân phối cùng các sản phẩm được bày bán tại hơn 140.000 địa điểm.
Tuy nhiên, Vinamilk cũng đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn ở hầu hết các dòng sản phẩm, đặc biệt là ở phân khúc sữa bột. Trong năm 2022, theo công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết, hãng đã không tung ra được sản phẩm mới nào đáng chú ý trong khi các hoạt động khuyến mại bị cắt giảm.
Chính vì vậy, cuộc tái định vị thương hiệu lần này và việc tái cơ cấu kênh bán hàng trong năm 2022 trước đó, có thể sẽ là bước khởi đầu trong chiến lược 5 năm sắp tới của hãng, đi cùng đó là hàng loạt thay đổi trong chuyển đổi số, tuyển dụng nhân sự, quy trình quản trị… với mục tiêu tạo đà tăng trưởng, tiếp cận người tiêu dùng nhanh hơn và hiệu quả hơn trong tương lai.