Đồng hành từ các địa phương 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình, địa phương hiện có khoảng 8.000 doanh nghiệp, hơn 1.000 chi nhánh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động. Động lực phát triển kinh tế của tỉnh là Khu kinh tế Thái Bình nằm trên địa bàn hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy. Từ hai năm nay, riêng Khu công nghiệp Liên Hà Thái (nằm trong Khu kinh tế Thái Bình) đã đón nhận làn sóng đầu tư của nhiều Tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, mở ra triển vọng phát triển đột phá trong các năm tới

Xác định doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, thời gian qua, huyện Thái Thụy cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp, gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt các kiến nghị, đề xuất và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Thái Bình: Quyết liệt gỡ nút thắt cho doanh nghiệp

Sản xuất tại nhà máy Ohsung Vina Thái Bình – khu công nghiệp Liên Hà Thái (ảnh báo Thái Bình)

Lãnh đạo huyện Thái Thụy cho hay, tại buổi gặp gỡ, đối thoại, nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã được nêu ra, trong đó nhiều vấn đề mang tính cấp thiết liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh được phản ánh tới lãnh đạo huyện với hy vọng sẽ được giải quyết nhanh gọn, thấu đáo, gỡ khó để doanh nghiệp tiếp tục phát triển.

Ông Ngô Quang Văn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp huyện cho biết: Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về vốn và mặt bằng sản xuất. Vì vậy, việc huyện tổ chức hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời điểm này là hết sức cần thiết, kịp thời, thể hiện sự quan tâm sâu sát, sự đồng hành của lãnh đạo huyện và các phòng, ban, cơ quan chuyên môn của huyện cùng với cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Điều đáng mừng là sau cuộc gặp gỡ, đối thoại, các kiến nghị của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã được các phòng, ban, cơ quan, địa phương trong huyện tiếp thu và tích cực vào cuộc giải quyết.

Những năm qua, đội ngũ doanh nghiệp huyện Thái Thụy có bước phát triển vượt bậc về cả số lượng và quy mô sản xuất. Toàn huyện hiện có hơn 500 doanh nghiệp, khoảng 6.000 cơ sở sản xuất đang hoạt động, tạo việc làm tại chỗ cho 27.000 lao động, trong đó có gần 150 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất công nghiệp.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng đưa nền kinh tế của huyện đạt được nhiều kết quả tích cực: Tổng giá trị sản xuất đạt hơn 14.513 tỷ đồng, tăng hơn 7,7% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt hơn 5.679 tỷ đồng, giá trị thương mại – dịch vụ đạt hơn 2.500 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện 6 tháng đầu năm thực hiện hơn 932 tỷ đồng, bằng 66,5% dự toán tỉnh giao, bằng hơn 40% dự toán huyện giao. 

Ông Nguyễn Văn Hóa – Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để đạt được kết quả trên có sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. UBND huyện đã thành lập tổ hỗ trợ doanh nghiệp với thành viên là lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện để thường xuyên cập nhật thông tin, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, trực tiếp tham mưu UBND huyện giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của huyện. Trong đó, thành lập nhóm zalo tư vấn hỗ trợ cho doanh nghiệp; mở chuyên mục trên cổng thông tin điện tử của huyện….

Thái Bình: Quyết liệt gỡ nút thắt cho doanh nghiệp

Thời gian qua, Thái Bình luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, nhất là về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng…

Cùng doanh nghiệp trên môi trường số

Theo ông Đặng Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và phát triển tỉnh Thái Bình (thuộc Văn phòng UBND tỉnh Thái Bình), thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Một trong những việc làm tích cực của tỉnh Thái Bình, đó là ra mắt Trang thông tin “Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp” trên ứng dụng Zalo. Đây là kênh thông tin để kịp thời chuyển tải những chủ trương, chính sách, quy định của Trung ương, của tỉnh đến các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nhanh nhất, hiệu quả nhất; đồng thời giúp doanh nghiệp gần gũi hơn với chính quyền.

Qua trang thông tin này, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành của tỉnh nắm bắt được ý kiến, kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp và kịp thời hồi đáp, giải quyết nhanh gọn, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

Hiện nay, Trang thông tin do Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và phát triển tỉnh Thái Bình phụ trách. Hằng ngày, đơn vị lấy nguồn từ Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, Cổng Thông tin điện tử các sở, ngành… để cập nhật và đăng tải.

Trang thông tin “Thái Bình đồng hành cùng Doanh nghiệp” trên ứng dụng Zalo có nhiều tiện ích, thông tin về chương trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; bản đồ quy hoạch; các dự án đầu tư, mua sắm công; các quy hoạch phát triển cụ thể của từng vùng, từng ngành, từng lĩnh vực; các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư; các dự án xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng mới; giúp doanh nghiệp nộp thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, mức độ 4…

Ông Nguyễn Khắc Thận – Chủ tịch UBND tỉnh thông tin, trang thông tin “Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp” trên ứng dụng zalo với mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư cũng như phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh”.

Thái Bình: Quyết liệt gỡ nút thắt cho doanh nghiệp

Một trong những việc làm tích cực của tỉnh Thái Bình, đó là ra mắt Trang thông tin “Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp” trên ứng dụng Zalo.

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết, cộng đồng doanh nghiệp phấn khởi trước sự vào cuộc và đồng hành của tỉnh thông qua những hành động cụ thể. Trong thời điểm phục hồi sản xuất như hiện nay, doanh nghiệp rất cần sự thấu hiểu, chia sẻ khó khăn của chính quyền địa phương, nhất là tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách hay như việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

Thời gian qua, UBND tỉnh Thái Bình đã khởi động trở lại Chương trình “Cafe Doanh nhân”, với mục đích tạo không gian gặp gỡ, đối thoại cởi mở và thân thiện giữa chính quyền tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Đây không chỉ là điểm hẹn để chính quyền tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn đang tồn tại, mà còn là dịp để các đơn vị có cơ hội quảng bá nhiều hơn về sản phẩm của mình, tìm kiếm đối tác, mở rộng kinh doanh…

Ông Lê Đình Đáp, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Green i-Park (nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Liên Hà Thái) cho hay, về đầu tư tại Thái Bình, chúng tôi được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở. Các cấp chính quyền hỗ trợ doanh nghiệp không những trong quá trình thu hồi giải phóng mặt bằng, mà còn tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Góp phần để doanh nghiệp thực hiện công tác xây dựng đầu tư hạ tầng diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. Hơn thế nữa, công tác thu hút đầu tư cũng được tỉnh Thái Bình rất quan tâm, địa phương còn tạo ra sự sự gắn kết với doanh nghiệp và các nhà đầu tư thứ cấp. Ngoài ra những thông tin về tiềm năng, lợi thế của khu công nghiệp, Khu kinh tế Thái Bình; các cơ chế, chính sách ưu đãi của của trung ương, của tỉnh và của nhà đầu tư hạ tầng được địa phương tuyên truyền quảng bá cho doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử, zalo…các hệ thống truyền thông môi trường số.

Bà Phan Thị Châm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng cho rằng, thời gian qua, tỉnh Thái Bình luôn đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp trong môi trường số đã giúp doanh nghiệp nâng cao sức mạnh cạnh tranh, tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng, chinh phục được nhiều đối tác, khách hàng trong nước và quốc tế.