Trước khi đề cập đến việc thực hành ESG (bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố bảo vệ môi trường – trách nhiệm xã hội – quản trị doanh nghiệp) tại các doanh nghiệp Việt Nam, TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhắc lại câu chuyện cách đây hơn 10 năm.  Khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đã áp dụng ISO 8000 về lao động với chi phí tuân thủ ban đầu khá cao. Tuy nhiên, khi đáp ứng được tiêu chuẩn trên, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tăng cao, khả năng tiếp cận thị trường Hoa Kỳ rất tốt và được thể hiện rõ trong ngành dệt may Việt Nam.

ESG: Quyền năng và trách nhiệm của doanh nghiệp

May 10 là một trong những doanh nghiệp sớm thực hành ESG (ảnh: Hạnh Lê)

Trở lại với câu chuyện hiện nay, cũng trong ngành dệt may, nhìn sang quốc gia cạnh tranh với chúng ta là Bangladesh. Tại đây, doanh nghiệp nước bạn đáp ứng yêu cầu ESG tốt hơn, đơn hàng nhận được tốt hơn dù đang trong suy thoái kinh tế.

Vấn đề này mới đây cũng được Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang chia sẻ. Trong những năm gần đây, doanh nghiệp dệt may nào rụt rè trong đầu tư ESG đều khó khăn trong việc nhận đơn hàng giá tốt.

Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang chịu nhiều áp lực từ đối tác, khách hàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu về điều kiện phải chuyển đổi lên chuẩn mực bền vững trong đáp ứng điều kiện môi trường, năng lượng sạch, lao động… Trong đó, tại châu Âu, những chính sách hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững được cập nhật liên tục. Hay tại Mỹ, theo con số được Nielsen công bố, 66% người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền cho một nhãn hàng được chứng nhận phát triển bền vững.

Chia sẻ thêm về nội dung này, bà Lành Huyền Như – đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam đề cập đến Luật thẩm định chuỗi cung ứng (LkSG) đang được Đức áp dụng tại các doanh nghiệp có trên 3.000 nhân viên và các công ty nước ngoài hiện đang hoạt động tại Đức. Năm 2024, điều luật này sẽ phổ áp dụng rộng hơn cho các công ty có trên 1.000 nhân viên.

Song song với đó, EU đang trong quá trình thông qua điều luật dành cho các công ty thẩm định chuỗi cung ứng với các quy định khắt khe hơn, dự kiến áp dụng cho các công ty trên 250 nhân viên tại châu Âu với doanh thu 40 triệu eu. Tuy nhiên, vấn đề đang được tranh luận do EU muốn mở rộng diện áp dụng tới các công ty nước ngoài không thuộc châu Âu có doanh thu 150 triệu eu, trong đó có 40 triệu doanh thu đến từ châu Âu.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể bị tác động gián tiếp bởi Luật thẩm định chuỗi cung ứng (LkSG) nếu là một phần của chuỗi cung ứng của một doanh nghiệp Đức. Theo bà Lành Huyền Như, đây là điều luật quan trọng với chuỗi cung ứng, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp Đức có biện pháp hợp lý và hiệu quả để kiểm soát rủi ro tới con người và môi trường trong chuỗi cung ứng của mình trên toàn thế giới.

ESG: Quyền năng và trách nhiệm của doanh nghiệp

Người tiêu dùng châu Âu ngày càng đòi hỏi các sản phẩm hàng hoá đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững

Cụ thể các doanh nghiệp rà soát rủi ro tới con người và môi trường trước nhất trong phạm vi kinh doanh của mình, sau đó của nhà cung ứng trực tiếp. Với các nhà cung ứng gián tiếp, nếu phát hện có những biểu hiện của sự vi phạm như lao động cưỡng bức, xả rác thải ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ của người dân sống xung quanh, các doanh nghiệp Đức phải quay lại rà soát, có biện pháp chấm dứt hoặc giảm thiểu vi phạm ở các nhà cung ứng gián tiếp.

Từ những quy định khắt khe trên, các chuyên gia kinh tế nhận định: sức ép và động lực thực hành ESG của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn vì đây vừa là trách nhiệm vừa là lợi ích. Thực hành ESG là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Đức và các nước châu Âu nói riêng và chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung một cách bền vững, hiệu quả và có trách nhiệm hơn.

Tuy nhiên, theo TS Võ Trí Thành, hiện nay, chỉ có ít doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn xanh để xuất khẩu vào châu Âu như tiêu chí ESG. Điều này đòi hỏi nỗ lực lớn của Chính phủ và các doanh nghiệp nếu chúng ta muốn tiếp cận thị trường, hưởng ưu đãi của FTA. “Doanh nghiệp cần quan tâm, dành các nguồn lực đầu tư và xác định đây là xu thế tất yếu” – TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.