Mấy ngày cuối tuần này, tin tức quán cà phê Tứ Phủ đóng cửa đang tràn ngập khắp các trang mạng xã hội. Tin tức này bắt nguồn từ những hình ảnh quán Tứ Phủ đóng cửa và sang nhượng lại mặt bằng cho thuê ở địa chỉ 252 Điện Biên Phủ, phường 7, quận 3.
Mặt bằng có diện tích lên đến gần 400 m2, với bốn tầng, có không gian trong nhà lẫn ngoài trời. Giá đăng cho thuê là khoảng 10.000 USD/tháng, tức tầm hơn 230 triệu đồng.
Phía Tứ Phủ Coffee vẫn chưa lên tiếng phản hồi về thông tin này. Tuy nhiên fanpage của họ cũng đã dừng cập nhật nội dung mới từ đầu tháng 5. Và tin tức thuê mặt bằng đang xuất hiện trên một website bất động sản.
Sự việc xảy ra đối với Tứ Phủ khiến những người trong giới F&B bàn tán khá nhiều, bởi đây là quán cà phê đầu tư lớn với chi phí lên đến 15 tỷ đồng. Giá thuê mặt bằng cũng ngốn đến 12.000 USD/tháng. Bà Hoàng Phú, người sáng lập Tứ Phủ Coffee, xem quán là công trình tâm huyết của mình.
Mặc dù đi theo mô hình cà phê tôn giáo khá mới lạ, ít nhất ở Việt Nam, thế nhưng việc kinh doanh của Tứ Phủ không quá suôn sẻ. Mới chỉ trong 6 tháng đầu, họ phải kết hợp thêm mô hình nhà hàng chay mới mong duy trì được hoạt động. Bà Hoàng Phú chia sẻ rằng mỗi tháng Tứ Phủ lỗ đến vài trăm triệu.
Với tình hình như vậy, thì suy đoán Tứ Phủ Coffee đóng cửa không phải là không có cơ sở.
Tuy lạ ở Việt Nam, nhưng trên thế giới, mô hình quán tôn giáo, kiểu như Tứ Phủ, lại khá nhiều và lâu đời.
Chẳng hạn ở Shinjuku, Nhật Bản có quán Christon Cafe. Vào ban chiều quán có công năng như một nhà hàng, đến đêm trở thành một câu lạc bộ. Quán được trang trí bằng những vật phẩm đậm dấu ấn tôn giáo như các bức tượng, bàn thờ, những chiếc đèn chùm khổng lồ trên trần nhà. Theo thông tin từ một bài viết trên Guardian, một số đồ vật trang trí ở đây có nguồn gốc từ Nam Mỹ.
Hoặc trên thế giới có chuỗi quán bar, nhà hàng và khách sạn mang tên Buddha-Bar. Quán Buddha-Bar đầu tiên được mở tại Paris, Pháp. Đó là một quán bar – nhà hàng theo chủ đề Phật Giáo và phục vụ đồ ăn châu Á. Tại khu vực ăn uống có đặt một tượng Phật Lớn. Còn khu quầy bar ở trên được trang trí bằng một con rồng lớn chế tác công phu. Mô hình của quán khiến người ta liên tưởng đến một ngôi đền và những bức tượng Phật.
Ngoài Paris, Buddha Bar cũng mở ở nhiều địa điểm khác nhau, chẳng hạn Dubai, Abu Dhabi, London, Manila, Kyiv, Moscow, Saint Petersburg, Mexico City, Monte Carlo, Prague, Santorini, v.v.. Một số nơi hiện đã đóng cửa hoặc đổi tên.
Mặc dù không phải là nơi mang chủ đề tôn giáo duy nhất, thế nhưng Tứ Phủ lại lấy chủ đề theo Tín ngưỡng thờ Mẫu (Đạo Mẫu), một tín ngưỡng mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, quán được trang trí với nhiều hình ảnh các vị Thánh mẫu, rồng, hạc, trời mây.
Bà Hoàng Phú chia sẻ rằng riêng công đoạn vẽ trang trí cũng đã tốn 1 tỷ đồng với 10 nghệ nhân trong nước thực hiện hoàn toàn thủ công trong suốt nhiều tháng. Ngoài ra khuôn viên quán cũng được trang trí bằng các sản phẩm gốm, tre, hoa, nón lá, đèn lồng được nhập từ các làng nghề khắp Việt Nam.
Tuy vậy, nhưng có vẻ như mô hình này “quá mới” với Việt Nam nên cho đến giờ Tứ Phủ vẫn chưa có được thành công, Với sự mới lạ trong phong cách lẫn nét văn hóa Việt Nam in dấu trong mọi không gian này, có thể nói rằng thật sự rất đáng tiếc nếu Tứ Phủ phải đóng cửa.