“Siêng “đi chợ” tại các sự kiện quan trọng trên thế giới được xem là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp Việt có thể trruyền tải những tiềm năng, thế mạnh sản xuất, chất lượng hạt gạo ngon nhất thế giới đến các đối tác nước ngoài; đồng thời tạo khẳng định thương hiệu, tên tuổi của mình trong mắt người tiêu dùng trên toàn thế giới…” – ông Nguyễn Hữu Duyên – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP VILACONIC chia sẻ.
Gia tăng sự hiện diện trên thế giới
Bước sang năm 2024 với những dự báo khó lường về tình hình kinh tế thế giới đã khiến các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gạo của Việt Nam phải đưa ra chiến lược cùng phương thức hành động cụ thể.
Mới đây, sự kiện Gulfood tại Dubai đã cho thấy rõ điều đó khi có sự góp mặt của 50 doanh nghiệp đến từ Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu gạo. Đây là một sự kiện mang tính chất quan trọng, lớn nhất toàn cầu trong giới ẩm thực và khách sạn và được tổ chức hàng năm tại trung tâm thương mại quốc tế Dubai (UAE) – nơi được xem là đầu mối giao thương giữa 3 châu lục: Âu - Á – Phi.
Được biết, Hội chợ Gulfood Dubai có sự tham gia của 5.000 gian hàng đến từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ và hơn 98.000 khách hàng đến tham quan tìm hiểu và giao dịch. Bởi vậy, theo giới chuyên gia nhận xét, đây chính là cơ hội đặc biệt để các doanh nghiệp Việt quảng bá hình ảnh, giao dịch và khai thác thị trường tiêu thụ toàn cầu.
Hòa chung vào dòng chảy trên cùng mong muốn khẳng định tên tuổi của mình ở “đấu trường” quốc tế, Công ty CP VILACONIC là 1 trong 50 đơn vị của Việt Nam đã xuất sắc vượt qua những yêu cầu quy định khắt khe của sự kiện, đảm bảo tuân thủ những điều kiện của nhà sản xuất để tự tin trình diễn gian hàng tại sự kiện quan trọng này.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Duyên – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP VILACONIC cho biết: Hội chợ Gulfood 2024 là cơ hội vàng để các doanh nghiệp Việt nói chung, VILACONIC nói riêng tự tin quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất, chất lượng gạo Việt – loại gạo ngon nhất thế giới hiện nay đến các đối tác, khách hàng từ các nước châu Âu, châu Mỹ đến Trung Đông và châu Á.
“Bước sang năm 2024, chúng tôi gia tăng sự hiện diện trên thị trường quốc tế, hay nói một cách cụ thể hơn là tập trung “đi chợ” để tìm kiếm thêm các đối tác, khách hàng tiềm năng; đồng thời tiếp cận, học hỏi thêm những kinh nghiệm quý báu từ các đơn vị sản xuất kinh doanh khác trên thế giới…” – ông Duyên cho biết thêm.
Được biết, để khẳng định chất lượng cũng như giá trị nổi bật của nông sản Việt Nam nói chung, đặc biệt là gạo ST25 - được công nhận là gạo ngon nhất thế giới nói riêng trên toàn cầu, doanh nghiệp này đã mang đến Hội chợ Gulfood Dubai những sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý nhằm mở ra cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Kỳ vọng tiếp đà ấn tượng năm ngoái
Nhìn lại năm 2023 với muôn vàn khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp Việt phải đối mặt khi phải chịu tác động nặng nề bởi sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ngược dòng với bối cảnh ấy là sự trỗi dậy đầy mạnh mẽ của các đơn vị cung ứng gạo khi tạo nên kỳ tích khó tin, đưa hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vượt xa so với dự báo và mục tiêu đề ra.
Thống kê đã cho thấy rõ điều đó khi tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 đạt mức kỷ lục với khối lượng gần 8,3 triệu tấn, tương đương 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022. Con số này đã giúp ngành gạo nước ta xác lập kỷ lục lịch sử về kim ngạch xuất khẩu kể từ thời điểm năm 1989 cho đến nay.
Không chỉ ghi nhận những thông tin tích cực trong hoạt động xuất khẩu, ngành gạo Việt Nam còn tạo dấn ấn cực kỳ ấn tượng trong năm vừa qua khi tiếp tục khẳng định vị thế, thương hiệu đỉnh cao là “Gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu do The Rice Trader tổ chức diễn ra vào tháng 12 vừa qua.
Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi, cơ hội lớn để các thương hiệu gạo Việt mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như gia tăng giá trị sản phẩm trong thời gian tới. “Thông tin gạo Việt Nam được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến hình ảnh gạo Việt cũng như việc xuất khẩu gạo của Việt Nam” – một chuyên gia chia sẻ.
Tuy nhiên, bước sang năm 2024 với những dự báo kinh tế thế giới lẫn trong nước vẫn còn gặp khó khăn, đầu ra cho sản phẩm đang là vấn đề nan giải đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có hoạt động xuất khẩu trong ngành gạo.
Bởi vậy, nếu như muốn tiếp nối chuỗi đà thăng hoa của năm ngoái, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần phải tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế để quảng bá sản phẩm, tìm hiểu nhu cầu khách hàng, đồng thời có thêm cơ hội phát triển khách hàng mới, gia tăng đơn hàng sản xuất.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, nhiều đơn hàng xuất khẩu đến các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu… vẫn chưa phục hồi, do đó việc xúc tiến thương mại càng phải thực hiện nhiều hơn nữa…