Bắc Ninh và Bắc Giang là hai địa phương có nhiều khu công nghiệp và đông doanh nghiệp FDI của khu vực phía Bắc. Trong đó, Bắc Giang là điểm sáng thu hút doanh nghiệp FDI của cả nước trong những năm gần đây. Vì thế, nhu cầu tuyển dụng lao động cho các nhà máy tại Bắc Giang cũng luôn nằm trong top đầu khu vực phía Bắc.
Tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 9 tỉnh, thành phố phía Bắc do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức mới đây, các doanh nghiệp ở Bắc Giang tiếp tục tuyển dụng với số lượng lớn nhất với 17.494 chỉ tiêu trong tổng số hơn 44.000 chỉ tiêu tuyển dụng của cả phiên. Tiếp đến, các doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh tuyển dụng 11.080 người. Một số tỉnh, thành khác cũng có chỉ tiêu tuyển dụng lớn như Quảng Ninh 5.365 người, Thái Bình 3.708 người, Ninh Bình 3.174 người…
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: sau Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, thị trường lao động tiếp tục đà phục hồi, các doanh nghiệp đang tích cực tập trung tuyển dụng lao động ngay từ thời điểm đầu năm để bổ sung nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Theo phân tích dữ liệu tuyển dụng, một số nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn là bán buôn bán lẻ; công nghiệp chế biến chế tạo; vận tải - logistic, dịch vụ nhà hàng khách sạn, du lịch,… Mức thu nhập phổ biến từ 7 - 10 triệu đồng/tháng; đối với lao động có kinh nghiệm, bằng cấp, thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Đại diện một doanh nghiệp nằm trong nhóm ngành tuyển dụng lao động lớn, bà Vũ Thị Thùy - chuyên viên tuyển dụng của Viettel Post Hà Nội cho biết: sau tết Nguyên đán, doanh nghiệp mở rộng thêm 70 - 80 bưu cục nên sẽ cần nhiều nhân sự ở các vị trí khác nhau như trưởng bưu cục, nhân viên kinh doanh, nhân viên giao hàng. Trong đó, vị trí bưu tá năm nay sẽ cần thêm từ 500 - 700 người.
Nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn trên thị trường đang phản ánh đúng “sức khoẻ” của doanh nghiệp khi sản xuất phục hồi. Tuy nhiên, dữ liệu tuyển dụng từ các doanh nghiệp cũng cho thấy, năm nay yêu cầu trình độ tuyển dụng đã có một số thay đổi.
Những năm trước, doanh nghiệp tuyển dụng nhiều lao động phổ thông, không yêu cầu cao về trình độ tay nghề thì hiện nay, yêu cầu về trình độ đặt ra cao hơn. Tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 9 tỉnh, thành phố phía Bắc, gần 80% vị trí tuyển dụng yêu cầu trình độ cao đẳng đại học và công nhân kỹ thuật, trung cấp.
Đại diện một doanh nghiệp tuyển dụng cho biết: hiện nay nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi số mạnh mẽ hoặc ứng dụng công nghệ cao nên giảm thâm hụt lao động. Thay vào đó, doanh nghiệp cần lao động kỹ thuật để vận hành các dây chuyền sản xuất công nghệ cao.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng thừa nhận, tại thời điểm hiện tại, việc tuyển dụng gặp khó khăn do thị trường thiếu lao động kĩ thuật có tay nghề. Doanh nghiệp càng tuyển dụng nhiều càng gặp nhiều thách thức. Đó cũng là lý do tại sao, ngay sau kỳ nghỉ Tết, doanh nghiệp phải bắt tay tuyển dụng ngay.
Với số lượng tuyển dụng lớn, doanh nghiệp cần có kế hoạch dài hơn, áp dụng nhiều kênh tuyển dụng khác nhau với nhiều chế độ ưu đãi bằng tiền mặt để hi vọng sớm tuyển đủ người phục vụ cho việc phát triển, mở rộng sản xuất.
Thực tế này cũng cho thấy, ngay từ đầu thị trường lao động đã sôi động nhưng từ giữa đến cuối năm 2024, thị mới thực sự tốt lên. Người lao động cần nắm bắt xu hướng, yêu cầu tuyển dụng mới để có kế hoạch tự bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, trình độ đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và tìm kiếm công việc phù hợp.