Ông Lương Văn Tài - Bí thư thứ 3, thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc thông tin: năm 2023, thị trường Trung Quốc đã mở cửa hoàn toàn và đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. Về hoạt động ngoại thương, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương ở mức khả quan đạt 229,8 tỷ USD, chỉ giảm 0,5%.
Tuy nhiên, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng 4,8%, trong đó nhiều nhóm hàng có thế mạnh của Việt Nam tăng trưởng tốt.
Nhận định về một số xu hướng phát triển của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2024 và những năm tiếp theo, ông Lương Văn Tài cho biết, quốc gia tỷ dân tập trung phát triển chất lượng cao, kinh tế xanh, giảm phát thải carbon, trong đó, nâng cao chất lượng hàng hoá nhập khẩu là yêu cầu tiên quyết trong hoạt động ngoại thương. Trong năm qua, Trung Quốc ban hành nhiều chính sách nhằm siết chặt quản lý hàng hoá xuất nhập khẩu. Xu hướng này còn tiếp tục trong thời gian tới, trong đó, hàng hoá chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn sẽ được tạo điều kiện thuận lợi xuất khẩu và hưởng lợi từ hệ thống phân phối, logistic thông minh hiện đại cũng như khả năng tiếp cận thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Bên cạnh đó, Trung Quốc chú trọng phát triển thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới. Đáng chú ý trước sự thay đổi nhân khẩu học, số người cao tuổi chiếm tỷ trọng lớn. Điều này không chỉ tác động lên thị trường lao động, an sinh xã hội mà cả thị trường tiêu dùng. Vì thế, Trung Quốc đã tích cực đẩy mạnh loại hình kinh tế: nền kinh tế "tóc bạc".
Quy mô nền kinh tế này chiếm 6% GDP và dự báo tiếp tục tăng lên 10% trong năm 2035. Trung Quốc tập trung chăm sóc người cao tuổi là cơ hội để phát triển các dịch vụ sản phẩm dành cho đối tượng này. Đây được dự báo là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các ngành nghề, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi như sản xuất trang thiết bị hỗ trợ, sản phẩm hữu cơ, thuốc… có thể nghiên cứu và tiếp cận.
Trong năm 2024, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc nhận định, hợp tác thương mại giữa hai nước cơ bản ổn định và dự báo đạt kết quả tốt. Các hiệp hội, doanh nghiệp Trung Quốc đang và sẽ tổ chức nhiều đoàn sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh.
Trước mắt, trong bối cảnh chi phí vận tải tàu biển tăng cao, doanh nghiệp Trung Quốc có xu hướng tìm nguồn cung nhập khẩu ở khu vực lân cận, thay thế cho các đơn hàng xa. Các sản phẩm của Việt Nam được doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm nhiều trong thời gian qua là thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống (nước uống đóng chai). Thị trường này cũng tăng cường nhập khẩu nông sản nhiệt đới, trái cây chất lượng của Việt Nam.
Từ góc nhìn của thương vụ, dư địa tiềm năng cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc rất lớn. Doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều cơ hội tiếp cận các khu vực nằm sâu trong nội địa Trung Quốc có mức chi tiêu cao.
Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã đề cập đến điển hình thành công trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2023 là sầu riêng. Từ tháng 7/2022, sầu riêng Việt Nam chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã chiếm thị phần lớn tại nước này với kim ngạch là hơn 2 tỷ USD trong tổng kim ngạch nhập khẩu hơn 6 tỷ USD của Trung Quốc cho mặt hàng này. Từ thành công của sầu riêng hoàn toàn tin tưởng các loại trái cây có thế mạnh của Việt Nam đạt được kết quả tương tự.