Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA), Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam chia sẻ với DĐDN về xu hướng logistics xanh, bên hành lang Hội thảo ‘‘Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành Logistics và Thương mại điện tử hiện đại, bền vững’’ vừa diễn ra gần đây.
- Ông đánh giá như thế nào về việc ứng dụng logistics xanh tại Việt Nam hiện nay?
Chuyển đổi xanh là vấn đề toàn cầu, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào đến năm 2050.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics của Việt Nam cần phải thực hiện các giải pháp, chính sách một cách toàn diện, đồng bộ để đảm bảo cam kết theo chỉ đạo của Chính phủ.
Chính phủ đã đề ra các giải pháp để thực thi cam kết này, như ban hành chính sách liên quan đến sử dụng năng lượng hiệu quả, giám sát thực hiện cùng các cơ chế chính sách ưu đãi để ứng dụng trong chuyển đổi xanh.
Các doanh nghiệp logistics như Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đang nỗ lực đi tiên phong trong chuyển đổi nguồn năng lượng, áp dụng sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm tiêu thụ năng lượng hoá thạch.
Việc chuyển đổi bao gồm ứng dụng công nghệ để hướng đến là cảng thông minh, cảng xanh, trong quy trình kỹ thuật cũng như thương mại đều có sự thay đổi để phù hợp với tình hình mới, hướng đến thân thiện môi trường, đảm bảo tính cạnh tranh và thích nghi với những tiêu chuẩn hiện tại cho logistics xanh, và ứng dụng quy trình vận tải sạch.
- Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi số như thế nào trong logistics, thưa ông?
Việc áp dụng, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động logistics nói chung, vận tải nói riêng là nhu cầu rất cần thiết, doanh nghiệp logistics cần chủ động, thích ứng, thay đổi để đáp ứng các yêu cầu liên quan đến vấn đề hạ tầng, quy trình và công nghệ.
Các đơn vị logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện nay đang đẩy mạnh phát triển các dịch vụ chuỗi cung ứng, hướng tới các dịch vụ toàn cầu để nâng cao năng lực cạnh tranh của hành hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Cùng với việc ứng dụng chuyển đổi số cũng như công nghệ xanh trong lĩnh vực về vận tải, kho bãi, bao bì… hiện nay chúng tôi đang hướng tới áp dụng quy trình “logistics ngược”.
Tức là, quy trình thu gom xử lý rác thải tạo ra một chu trình kinh tế tuần hoàn, tối ưu, tận dụng việc tái sử dụng các nguồn lực. Đây cũng là xu hướng hiện nay các đơn vị xuất nhập khẩu cũng như logistics đang hướng tới áp dụng rất mạnh mẽ.
- Ở khía cạnh khác, trong bối cảnh khủng hoảng Biển Đỏ, cũng như những bất ổn trên thế giới thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng. Trong đó, hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam có thế mạnh như nông sản, trái cây… đều bị ảnh hưởng. Vậy, theo ông Việt Nam cần phải làm gì trước những vấn đề này?
Thứ nhất, Chính phủ cần có những giải pháp cụ thể như thường xuyên cập nhật thông tin, ưu đãi và ủng hộ cho việc chuyển đổi xu hướng liên quan đến đẩy mạnh xuất nhập khẩu để hỗ trợ thông quan giao hàng nhanh.
Thứ hai, doanh nghiệp cần lưu ý đến công tác dự phòng, điều chỉnh các hợp đồng thương mại để làm sao có thể đáp ứng được những điều khoản hạn chế rủi ro.
Thứ ba, doanh nghiệp cần lên kế hoạch cũng như tăng cường kết nối công nghệ thông tin, lựa chọn cung đường hàng hải thích hợp là những biện pháp cần thiết để giảm thiểu rủi ro trong điều kiện hiện nay.
- Cùng với sự thay đổi của thị trường, vấn đề về giá cước tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh, cũng như các hợp đồng hiện tại của các nhà xuất nhập khẩu. Ông bình luận về vấn đề này như thế nào?
Quan điểm của VLA, cũng như Chính phủ và Bộ Công Thương đó là việc áp dụng điều chỉnh các chính sách giá có sự quản lý của nhà nước phù hợp là một giải pháp căn cơ. Bởi, thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam do đội tàu biển nước ngoài đảm nhận đến 95%.
Việc quản lý các chính sách giá một cách hiệu quả, với một số giải pháp phù hợp để nâng cao, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu là rất cần thiết. Trong đó, Chính phủ có thể xem xét đến một số yếu tố liên quan đến hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics của Việt Nam.
Đặc biệt, giữa các doanh nghiệp cần có sự trao đổi cụ thể về hợp đồng để đảm bảo cho việc giao hàng hay thực hiện một dự án, hợp đồng thương mại hiệu quả.
- Ngoài việc song hành của Chính phủ, bộ, ngành thì các doanh nghiệp logistics cần có giải pháp như thế nào để cắt giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh, thưa ông?
Các doanh nghiệp logistics và xuất nhập khẩu cần lưu ý một số vấn đề liên quan đến hạ tầng, tận dụng hệ sinh thái hạ tầng của Việt Nam trong lĩnh vực cảng biển logistics, cũng như vận tải biển để tạo ra được những chuỗi cung ứng phù hợp.
Các doanh nghiệp logistics và xuất nhập khẩu cần ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng nền tảng thương mại điện tử. Để đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh lộ trình liên quan đến kế hoạch sản xuất, kế hoạch giao hàng, việc nắm bắt các thông tin, số liệu cũng như xu hướng thị trường, liên kết giữa nhà sản xuất, vận tải và người mua… tạo thành chuỗi giá trị là hết sức quan trọng trong việc tiết giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá.
-Trân trọng cảm ơn ông!