Đây là những chia sẻ của ông Trần Tiến Dũng- Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng trong cuộc trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp bên lề Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp (KCN) Việt Nam”.
- Thưa ông, các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi gì từ việc xây dựng các chuỗi cung ứng xanh trong các KCN?
Các nhà đầu tư KCN hiện chưa thực sự quan tâm đến việc đầu tư các trung tâm logistics trong hoặc liền kề với KCN. Điều này dẫn tới các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN đang phải “gánh” chi phí rất cao để vận chuyển lưu thông hàng hoá từ nhà máy của mình đến các cơ sở hạ tầng cảng biển.
Một KCN có quy mô đủ lớn thì việc hình thành một trung tâm logistics quy mô vừa là một giải pháp rất phù hợp để giúp các doanh nghiệp trong KCN được hưởng thụ dịch vụ logistics với chi phí thấp nhất và tổ chức chuỗi cung ứng một cách khoa học.
Phát triển logistics trong KCN là một bước giúp doanh nghiệp cung ứng logistics tiếp cận gần hơn với đối tượng chủ hàng và góp phần đưa ra các giải pháp cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm của khách hàng và thu hút đầu tư vào các KCN.
Để làm được điều đó, các doanh nghiệp logistics phải phát huy được hiệu quả tối ưu của vận tải hai chiều và kết hợp các hình thức vận tải khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường thủy… để giảm chi phí ở mức tối đa.
- Trước đây, doanh nghiệp thường quan tâm chi phí mà xem nhẹ yếu tố môi trường, xu thế này có vẻ đảo ngược khi doanh nghiệp chấp nhận bỏ chi phí cao cho phát triển xanh, thưa ông?
Trước đây, chủ hàng và doanh nghiệp logistics chỉ quan tâm đến chi phí rẻ nhất, thường bỏ qua vận tải xanh và bảo vệ môi trường. Những năm gần đây, xuất phát từ yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp bắt đầu chú trọng hơn đến phát triển bền vững. Khối doanh nghiệp FDI rất nhanh nhạy với yêu cầu của khách hàng. Có những doanh nghiệp lớn trên thế giới chấp nhận trả phí cao hơn 10-20% nếu doanh nghiệp logistics đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững.
Trong quá trình lựa chọn nhà cung ứng Việt Nam, ngoài tiêu chí chi phí cạnh tranh như trước đây thì tiêu chí về bảo vệ môi trường, phát thải CO2 trở thành một trong những điều kiện hàng đầu.
Để phát triển chuỗi cung ứng xanh, các doanh nghiệp logistics rất cần sự hợp tác của nhà đầu tư KCN và nhà đầu tư thứ cấp. Nếu khu KCN có điều kiện phát triển vận tải đa phương thức thì cộng đồng doanh nghiệp logistics luôn phối hợp đưa ra các giải pháp về vận chuyển lưu thông hàng hoá để làm sao có một mức chi phí thấp cũng như đảm bảo phát thải CO2 ở mức thấp nhất, cùng hướng đến mục tiêu Net zero vào năm 2050.
- Hiệp hội Logistics Hải Phòng đã có những kế hoạch hay hành động nào để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới Net Zero vào năm 2050, thưa ông?
Để đáp ứng nhu cầu khách hàng trong nước và quốc tế thì bắt đầu từ 2024, Hiệp hội đưa chủ đề “Phát triển bền vững” trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, để giảm thiểu phát thải khí carbon, chúng tôi hướng đến đẩy mạnh vận tải đường thuỷ nội địa, phát huy lợi thế về hệ thống sông ngòi phía Bắc nhằm tiết giảm tối thiểu 50% khí thải so với đường bộ. Song song với đó, Hiệp hội phối hợp với địa phương có kế hoạch trồng rừng, chăm sóc rừng tự nhiên để nâng cao tín chỉ hàm lượng carbon trong cùng một hecta rừng. Trong tương lai, đây sẽ là nguồn cung cấp tín chỉ carbon cho các doanh nghiệp logistics trong cộng đồng có quy mô nhỏ, giúp doanh nghiệp tự cân bằng phát thải CO2 và đáp ứng nhu cầu khách hàng.
- Thời gian qua, sử dụng năng lượng tái tạo và chuyển đổi số là những vấn đề đang được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Ông có đề xuất giải pháp gì để hỗ trợ các doanh nghiệp logistics chuyển đổi trong lĩnh vực này?
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất lao động. Thông qua chuyển đổi số, các doanh nghiệp kết hợp với nhau để nâng cao tỷ lệ vận chuyển hai chiều. Đây cũng là một đột phá của ngành vận tải thời gian qua, góp phần giảm chi phí, giảm lưu lượng tham gia vận tải đường bộ, giảm tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, xuất phát điểm của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, việc sử dụng nguồn vốn tự có để nâng cấp, chuyển đổi phương tiện là một thách thức vô cùng lớn. Ví dụ, một doanh nghiệp vận tải đường bộ muốn chuyển đổi phương tiện sử dụng nguyên liệu hoá thạch sang năng lượng tái tạo thì mức đầu tư cao gấp 4 lần. Ở khu vực phía Bắc hiện có khoảng 15 nghìn phương tiện đầu kéo thì mức đầu tư sẽ phải lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng- một khoản đầu tư siêu lớn so với quy mô các doanh nghiệp.
Vì vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ, ưu đãi về thể chế, chính sách vay vốn đối với những doanh nghiệp có tinh thần tiên phong trong vận tải xanh, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường. Đồng thời, xem xét áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp đối với những doanh nghiệp start up trong lĩnh vực này, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm kinh phí để tái đầu tư các phương tiện thân thiện với môi trường, thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tham gia tích cực hơn.
- Trân trọng cảm ơn ông!