Theo đó, nhà đầu tư Crystal Denim Textiles (BVI) Limited (trụ sở ở quần đảo Virgin thuộc Anh) là đại diện theo pháp luật đăng ký đầu tư dự án YI DA DENIM MILL (VN) CO., LTD tại KCN Dệt may Rạng Đông, tỉnh Nam Định.
Dự án này có tổng diện tích đất sử dụng 241.600m2 tại lô R, KCN Dệt may Rạng Đông, với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD. Trong đó, 293,4 tỷ đồng (tương đương 12 triệu USD), chiếm 20% tổng vốn đầu tư là vốn của nhà đầu tư Crystal Denim Textiles (BVI) Limited. Dự án được đầu tư chuyên sản xuất các sản phẩm vải không nhuộm, vải có nhuộm…
Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, dự án được đầu tư làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 880,2 tỷ đồng (tương đương 36 triệu USD). Trong giai đoạn này, nhà đầu tư sẽ tập trung hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan. Dự kiến, dự án sẽ khởi công xây dựng dự án trong năm 2024, hoàn tất xây dựng vào quý I/2026, vận hành chạy thử máy móc trong quý II/2026 và chính thức sản xuất từ quý III/2026.
Giai đoạn 2 của dự án với tổng vốn đầu tư 293,4 tỷ đồng (tương đương 12 triệu USD). Trong giai đoạn này, nhà đầu tư sẽ hoàn thành thủ tục pháp lý và khởi công xây dựng từ quý IV/2026 đến quý II/2028; hoàn thành xây dựng và vận hành thử máy móc vào quý II/2028 và chính thức sản xuất vào quý IV/2028.
Giai đoạn 3 của dự án với tổng vốn đầu tư 293,4 tỷ đồng (tương đương 12 triệu USD). Nhà đầu tư sẽ hoàn thành thủ tục pháp lý và khởi công xây dựng từ quý III/2028 đến quý II/2030, hoàn thành xây dựng và vận hành thử máy móc vào quý III/2030 và chính thức sản xuất vào quý IV/2030.
Dự kiến, sau khi hoàn thành xây dựng cả 3 giai đoạn, công suất mỗi năm của dự án đạt 55 triệu m2 vải có nhuộm, 5 triệu m2 vải không nhuộm, 20 triệu sản phẩm quần áo.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định, dự án YI DA DENIM MILL (VN) CO., LTD là dự án trực thuộc Tập đoàn Crystal, Hồng Kông (Trung Quốc) đầu tư. nhà đầu tư thực hiện dự án này sẽ được hưởng ưu đãi theo quy định của luật thuế thu nhập doanh nghiệp; luật thuế nhập khẩu; được miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất theo quy định của luật đất đai…
Theo tìm hiểu của Diễn đàn Doanh nghiệp, Crystal là một trong những tập đoàn hàng đầu khu vực và thế giới về chuỗi dệt may khép kín, đã niêm yết tại thị trường Hồng Kông (Trung Quốc); doanh thu khoảng 2,5 tỷ USD, khách hàng chính là các thương hiệu Uniqlo, Victoria Secret và các nhãn hàng bán lẻ của Mỹ. Trước đó, vào tháng 1/2024, lãnh đạo tỉnh Nam Định cũng đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Crystal về đề xuất đầu tư dự án sản xuất sợi, vải, may mặc tại KCN Dệt may Rạng Đông.
Theo ông Chan Chi Yuen - Giám đốc Kiểm soát tài chính tại châu Á, phụ trách phát triển các dự án tại Việt Nam, phía tập đoàn Crystal đã tìm hiểu và quyết định có nhu cầu đầu tư dự án thứ 6 sản xuất sợi, vải, may mặc tại KCN Dệt may Rạng Đông của tỉnh Nam Định. Dự án tại Nam Định là dự án đầu tiên của tập đoàn ở Việt Nam được đầu tư theo quy mô chuỗi, vì vậy hứa hẹn là dự án cho thành tựu lớn nhất của tập đoàn.
Dự kiến dự án sẽ được phân kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn với tổng vốn gần 200 triệu USD. Giai đoạn 1 sẽ đầu tư nhà máy sản xuất vải tổng vốn 60 triệu USD, giải quyết việc làm cho 800 lao động; dự kiến đạt doanh thu khoảng 110 triệu USD, đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 6 triệu USD. Phân kỳ tiếp theo của dự án, phía tập đoàn sẽ đầu tư nhà máy may quần bò, giải quyết việc làm cho 4.000 lao động; dự kiến nâng tổng doanh thu lên gấp đôi, gia tăng mức nộp ngân sách nhà nước và các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương.
Liên quan đến thu hút đầu tư vào tỉnh Nam Định, địa phương này hiện có 9 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển, với tổng diện tích 2.046ha. Trong đó, 6/10 KCN đã được triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, với tổng diện tích 1.289ha, 2 KCN đang triển khai các thủ tục để thành lập, với tổng diện tích 334ha. Hàng năm, vốn FDI đầu tư vào KCN chiếm từ 35-40% tổng vốn đăng ký tăng thêm của cả tỉnh, riêng lĩnh vực công nghiệp chiếm gần 80%.
Riêng đối với KCN dệt may Rạng Đông, đây là điểm đến đang được đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện. Theo đó, KCN này có cơ sở hạ tầng toàn diện gồm hệ thống đường giao thông nội bộ, hệ thống đèn chiếu sáng, nhà máy cung cấp nước sạch có tổng công suất thiết kế 170.000m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, nhà máy xử lý nước thải có tổng công suất thiết kế 110.000m3/ngày đêm. Dịch vụ logistics tối ưu hóa chi phí sản xuất và mang lại hiệu quả nhờ hệ thống cảng biển kết nối đến KCN.
Hiện, bên cạnh các nhà đầu tư trong nước, tỉnh Nam Định ưu tiên thu hút nhà đầu tư nước ngoài, coi đây là nguồn đầu tư tăng trưởng nhanh, bền vững. Địa phương này cũng rất coi trọng việc nhà đầu tư đảm bảo các yếu tố công nghệ cao, bảo vệ môi trường, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động và tiến độ đầu tư dự án.
Theo ông Phạm Gia Túc – Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định, tỉnh Nam Định sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước thuận lợi tối đa theo khuôn khổ pháp luật trong tất cả các khâu từ xúc tiến, thực hiện thủ tục, triển khai đầu tư dự án cho đến vận hành, phát triển sản xuất, kinh doanh.