Đây là một trong những nhận định được đưa ra tại báo cáo điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hàng quý do Tổng cục Thống kê thực hiện.
Theo đó, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý 1 năm nay khó khăn hơn quý 4 năm 2023. Cụ thể, có 22,1% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất quý 1 năm nay tốt hơn quý 4 năm 2023; 42,8% doanh nghiệp đánh giá giữ ổn định và 35 doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Trong quý 1, hai yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” vẫn là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn lần lượt là 55,1% và 49,8%. Yếu tố “không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu” có 19,8% doanh nghiệp lựa chọn - là tỷ lệ lựa chọn cao nhất và tăng nhiều nhất (tăng 3,3%).
Tuy nhiên, sang quý 2 năm nay khả quan hơn quý 1 khi có 82% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định (tương ứng với tỷ lệ là 45,4% tốt hơn, 36,6% giữ ổn định). Số doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn giảm còn 18%.
Về một số chỉ số quan trọng, cụ thể là số lượng đơn đặt hàng mới, kết quả khảo sát cho thấy quý 1 có 63,5% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý 4 năm 2023 (20,9% tăng, 42,6% giữ nguyên); 36,5% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới giảm. Theo ngành kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng mới quý 1 so với quý 4 năm 2023 tăng cao nhất với 28,6%.
Ngược lại, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng giảm nhiều nhất với 48,3%. Sự suy giảm đơn đặt hàng do tỷ lệ doanh nghiệp nhận định “khối lượng đơn đặt hàng mới” và “giá bán bình quân trên một đơn vị sản phẩm” đều giảm (lần lượt là 52,4% và 15,7%), kết hợp với tỷ lệ doanh nghiệp nhận định “chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm” tăng cao hơn 32,7% so với quý IV năm trước. Việc “khối lượng sản xuất” của ngành này được nhận định giảm sâu trong quý 1 có thể tạo áp lực về thiếu hụt nguyên vật liệu đối với ngành xây dựng.
Trong 3 tháng tới, 82,9% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên (với tương ứng 42,2% tăng, 40,7% giữ nguyên); chỉ còn 17,1% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Tương tự như vậy, với các đơn đặt hàng xuất khẩu, trong quý 1, có 66,4% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng và giữ nguyên so với quý 4 năm trước; trong đó chỉ có 19,1% doanh nghiệp cho biết đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng, 47,3% giữ nguyên. Tỷ lệ doanh nghiệp nhận định có đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm chiếm tỷ lệ khá cao là 33,6%.
Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất xe có động cơ có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý 1 tăng cao nhất với 33,3% so với quý 4 năm trước. Ngược lại, ngành dệt có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm nhiều nhất với 42,0%.
Tuy nhiên, trong quý 2, tình hình trên có thể được cải thiện đáng kể khi có tới 82,9% doanh nghiệp dự báo đơn hàng xuất khẩu mới sẽ tăng và giữ nguyên so với quý 1 (với tỷ lệ tương ứng là 36,9% tăng, 46% giữ nguyên); 17,1% doanh nghiệp dự báo giảm.
Để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đề xuất 4 kiến nghị. Đó là, tạo cơ hội để các doanh nghiệp được giao lưu, tìm hiểu nhằm mục đích tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên vật liệu cũng như khách hàng mới; nâng cao tay nghề và trình độ của người lao động, giảm tình trạng thiếu lao động có tay nghề và lao động tay nghề cao; có các biện pháp kích cầu tiêu dùng hiệu quả nhằm hỗ trợ tiêu thụ và sản xuất hàng hóa; có các chính sách nhằm ổn định giá cả và nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp.