Theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Lương thực miền Bắc, nâm 2023 vừa qua, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò chủ yếu của nền kinh tế, trong đó ngành hàng lúa gạo là điểm sáng, điều này đã được lượng hóa bằng con số xuất khẩu là 8,1 triệu tấn, đạt 4,67 tỷ USD, giá bình quân đạt 575 USD/1 tấn, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Tại thời điểm biến động lớn về lúa gạo tháng 8/2023, một số nước đã có chính sách cấm xuất khẩu gạo, tạo áp lực ngày càng lớn cho việc cung cấp gạo. Trong khi đó Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ra Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023, giao cho các Bộ, ngành và các doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ và đạt được kết quả lớn nhất trong lịch sử, vừa tiêu thụ được lúa cho nông dân, đảm bảo tiêu dùng trong nước, xuất khẩu hiệu quả và thực hiện trách nhiệm quốc tế.
Với kế hoạch trước mắt, Thủ tướng Chính phủ đã mời lãnh đạo các nước nhập khẩu gạo lớn và cụ thể là mời Tổng thống Indonesia, Philippine sang thăm, qua đó, hai bên ký các thỏa thuận thương mại gạo cho 5 năm tới, đảm bảo nguồn cung cho bạn cũng là đảm bảo thị trường đầu ra cho ta về dài hạn.
Bước vào năm 2024, theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, sản lượng lúa dự kiến vẫn đạt 43 triệu tấn và sau khi dành cho tiêu dùng nội địa, đảm bảo an ninh lương thực thì lượng dành cho xuất khẩu mục tiêu là 7,5 – 8 triệu tấn gạo.
Hiện nay là tháng 3/2024, vào chính vụ Đông Xuân, đây là vụ lớn nhất trong năm với số lượng thu hoạch khoảng 6 triệu tấn gạo, trong đó 3 triệu tấn dành cho xuất khẩu.
Mặc dù thông tin về giá lúa giảm gần đây tuy nhiên bà Thanh Tâm khẳng định giá vẫn cao hơn của vụ Đông Xuân năm 2023 và vẫn cao hơn giá của các vụ trước. Đặc biệt, giá lúa hiện nay người dân vẫn có lãi khoảng 60% theo giá thành sản xuất mà Hiệp hội tài chính đã công bố là khoảng 4.000 đồng/kg và giảm trên nền giá cao đột biến.
Tháng 1 vừa qua Việt Nam tham gia đấu thầu ở Indonesia với số lượng rất lớn, tổng số lượng mời thầu là 500.000 tấn nhưng các nhà xuất khẩu Việt Nam đã trúng đến gần 400.000 tấn với giá cao.
Thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã dự báo là năm 2024 là năm tiếp tục có nhu cầu lớn về gạo và các nhà nhập khẩu hiện nay vẫn tiếp tục có kế hoạch để triển khai.
Vào ngày 2/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ban, ngành, Hiệp hội lương thực Việt Nam, các tỉnh và đặc biệt là 2 tổng công ty lương thực nhà nước, trong tình hình mới phải triển khai việc tăng cường sản xuất, để đảm bảo an ninh lương thực trong nước và đồng thời đảm bảo xuất khẩu. Lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc khẳng định, nếu thực hiện được chỉ thị này, chúng ta không chỉ lo bước ngắn hạn mà chúng ta cũng đảm bảo được mục tiêu dài hạn.
Với tình hình như trên, Tổng công ty Lương thực miền Bắc đề xuất, thứ nhất, với Tổng cục Dự trữ Nhà nước, thông thường cứ vào tháng 3 thì Tổng cục sẽ tổ chức mở thầu với số lượng khoảng độ 200-250 nghìn tấn gạo. Số lượng này cũng đủ để đóng góp vào việc kích cầu.
“Nếu điều kiện cho phép, đề nghị Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Bộ Tài chính cho tiến hành sớm chương trình thu mua dự trữ vì các doanh nghiệp cần có hợp đồng để triển khai và đặc biệt là bảo đảm chất lượng trong kho”, bà Thanh Tâm kiến nghị.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại đều quan tâm đến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, doanh nghiệp chế biến. Nhận định tình hình năm nay có nhiều khó khăn nên bà Thanh Tâm đề nghị các ngân hàng tiếp tục quan tâm, giảm lãi suất, đồng thời nới lỏng các điều kiện cho vay.
Cuối cùng, đối với đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, khẳng định đây là đề án có ý nghĩa rất lớn đối với trong và ngoài nước, Tổng công ty Lương thực miền Bắc đề xuất Chính phủ giao các bộ, ngành và các tỉnh triển khai đề án, có tổng kết chương trình cánh đồng mẫu lớn trước đây. Khi tổ chức hội nghị, đề nghị các bộ, ngành mời cộng đồng doanh nghiệp tham gia.