Khảo sát “Kết nối tương lai của doanh nghiệp” do Kaspersky thực hiện, nhiều doanh nghiệp ở châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đã triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vật (IoT) trong cơ sở hạ tầng với con số lần lượt với 61% và 64%. Bên cạnh đó, không gian dữ liệu được 27% doanh nghiệp sử dụng; các công nghệ kết nối khác như bản sao kỹ thuật số, AR, VR, Web 3.0, 6G được 8 - 20% số lượng doanh nghiệp tham gia khảo sát ứng dụng, trong đó, hơn 70% doanh nghiệp đang xem xét tích hợp công nghệ kết nối trên vào quy trình kinh doanh.

Công nghệ phát triển, doanh nghiệp phải bảo vệ những tài sản nào?

Nhiều doanh nghiệp đã gia tăng doanh số từ ứng dụng công nghệ hiện đại, trong đó có AI

Ở Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường có tiềm năng rất lớn để phát triển AI. Một khảo sát khác cũng cho thấy, Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về lượt tìm kiếm liên quan đến AI. Thực tế, tại nhiều doanh nghiệp, AI đã trợ thành “trợ thủ” đắc lực hỗ trợ tạo ra sản phẩm mới và điều chỉnh nội dung truyền thông phù hợp với từng đối tượng khách hàng, vừa giúp doanh nghiệp kết nối sâu sắc, đáp ứng tốt hơn thị hiếu tiêu dùng của khách hàng. Khi có được trải nghiệm cá nhân sâu sắc, doanh nghiệp dễ dàng “chiếm” được lòng trung thành của khách hàng, tức là khách hàng gắn bó lâu dài với thương hiệu, sản phẩm.

Công nghệ kết nối đang góp phần thay đổi doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp thu thập nhiều dữ liệu hơn, nâng cao khả năng tự động hóa và tối ưu hoá các quy trình. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển nhanh của công nghệ kết nối, nhiều chuyên gia công nghệ cũng quan tâm nhiều hơn đến những rủi ro và thách thức mới có thể xảy đến. Các chuyên gia đề cập nhiều vấn đề cần được lưu tâm như bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu để đảm bảo an toàn cá nhân hay bảo mật tài sản kinh doanh.

Trong khi đó, khi công nghệ mới trở nên phổ biến thì các phương thức tấn công mạng mới cũng xuất hiện với mức độ tinh vi và phức tạp. Khảo sát “Kết nối tương lai của doanh nghiệp” cũng cho thấy, 13 - 14% tổ chức trong khu vực cho rằng bảo vệ AI và IoT là một điều khó khăn. Tỷ lệ này tăng cao khi đề cập đến các công nghệ ít phổ biến hơn như AR/VR hay 6G với con số 40-51% doanh nghiệp khảo sát cho biết công nghệ trên rất khó bảo mật.

Công nghệ phát triển, doanh nghiệp phải bảo vệ những tài sản nào?

Bảo mật dữ liệu và bảo vệ các tài sản quan trọng của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn khi ứng dụng công nghệ mới (ảnh minh hoạ)

Ông Adrian Hia, Giám đốc điều hành Kaspersky khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, đây là lỗ hổng về kỹ năng và kiến thức cần được vá lại khẩn cấp. Công nghệ kết nối mang lại cơ hội kinh doanh to lớn nhưng cũng sẽ dẫn đến giai đoạn mới về khả năng dễ bị xâm nhập vào doanh nghiệp. Với lượng dữ liệu được thu thập và gửi đi ngày càng tăng, các biện pháp bảo vệ những tài sản quan trọng ngày càng được tăng cường để ngăn ngừa những rủi ro, thách thức từ công nghệ kết nối.

Dựa trên kết quả nghiên cứu, Kaspersky đề xuất một số giải pháp để các doanh nghiệp sẵn sàng bảo vệ tài sản quan trọng cũng như các công nghệ kết nối. Đó là thiết kế bảo mật tích hợp trong phần mềm và phần cứng; đào tạo và nâng cao kỹ năng, kiến thức cho nhân sự trong doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cấp các giải pháp an ninh mạng của doanh nghiệp cho phép thu thập và đối chiếu dữ liệu tương quan từ xa ở nhiều nguồn khác nhau, ở nhiều giai đoạn khác nhau từ phát triển đến vận hành.