Đây là một trong những khuyến cáo được ông Arnaud Ginolin - Giám đốc điều hành Tập đoàn tư vấn BCG Việt Nam đưa ra khi đề cập đến nguồn vốn FDI xanh. Theo đó, nguồn vốn này hiện đang tăng nhanh, thống kê cho thấy số vốn FDI đang tăng nhanh, lên đến 500 tỷ USD.
Đi vào vi mô, ông Arnaud Ginolin chia sẻ, rất nhiều quốc gia cần dòng vốn FDI xanh cho phát triển bền vững và chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, dòng vốn FDI xanh đang nhắm đến các nước phát triển chiếm khoảng 60% vốn FDI xanh trên toàn cầu; hơn 30% đi vào các nước đang phát triển. Trong đó, ghi nhận một số quốc gia có bước nhảy vọt về thu hút vốn FDI xanh như Malaysia chẳng hạn, hiện đã thu hút được 43 tỷ USD vốn FDI xanh nhờ khung chính sách về biến đổi khí hậu, xây dựng hạ tầng xanh, xuất khẩu công nghệ xanh…
Là điểm đến thu hút FDI trong khu vực ASEAN, cùng với xu hướng chuyển đổi xanh, một số nhà đầu tư lớn đến từ châu Âu đã chọn Việt Nam để rót vốn xanh. Cụ thể, tập đoàn LEGO của Đan Mạch đầu tư hơn 1 tỉ USD vào nhà máy không phát thải carbon. Adidas của Đức cũng đã đi theo chiến lược giảm phát thải, đồng nghĩa doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng, gia công cũng phải đồng hành để đạt được mục tiêu này.
FDI xanh từ các quốc gia khác cũng theo dòng chảy vào Việt Nam với một số dự án như dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu với vốn đầu tư đăng ký 4 tỉ USD; dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II có tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỉ USD...
Vốn FDI xanh từ các nước châu Âu - nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 của Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã xác nhận xu hướng tăng này. 31% thành viên xếp hạng Việt Nam trong số 3 điểm đến đầu tư hàng đầu toàn cầu và hơn một nửa lên kế hoạch thúc đẩy đầu tư của Việt Nam vào năm 2023, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.
Sự bùng nổ đầu tư này nêu bật tính hiệu quả của việc thực thi Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) trong việc thu hút FDI bền vững, chất lượng cao và đưa Việt Nam trở thành điểm đến chiến lược.
Tuy nhiên, EuroCham cho rằng, Việt Nam phải đối mặt với những rào cản trong việc tuân thủ trọng tâm chuỗi cung ứng xanh của EU, bao gồm việc thực thi các tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt hơn về môi trường. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ xanh đòi hỏi phải đầu tư rất lớn, đồng thời đảm bảo nguồn cung ứng minh bạch, bền vững từ các nhà cung cấp địa phương có thể là một thách thức.
Cách hiệu suất, hiệu quả nhất để Việt Nam tiến lên và xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai là tập trung vào nền kinh tế xanh và phát triển bền vững - EuroCham nêu rõ.
Trong khi đó, ông Arnaud Ginolin nhìn nhận, để huy động được nguồn lực tài chính thực hiện phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần FDI xanh để phát triển công nghệ cao. Đánh giá vốn FDI của Việt Nam là dồi dào nhưng để dẫn vốn FDI xanh, Giám đốc điều hành Tập đoàn tư vấn BCG cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy chiến lược chuyển dịch dòng vốn mạnh mẽ hơn, nhất là trong bối cảnh chính sách ứng phó biến đổi khí hậu hay Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia mới được thực thi.
Chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia thành công trong thu hút FDI xanh, theo Giám đốc điều hành Tập đoàn tư vấn BCG, các quốc gia có chính sách khai mở dòng đầu tư xanh. Quan trọng bắt đầu từ hiện trạng dựa trên phát triển khung chính sách ứng phó biến đổi khí hậu, có chiến lược thu hút FDI xanh bằng cách xây dựng hạ tầng xanh, xuất khẩu công nghệ xanh...
Do đó, ông Arnaud Ginolin khuyến nghị Việt Nam cần ưu tiên hoàn thiện cơ chế, triển khai chính sách ưu đãi xanh, phân loại đầu tư xanh; nghiên cứu ban hành các gói thu hút đầu tư xanh, xây dựng hệ sinh thái xanh, nâng cao năng lực nguồn nhân lực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho các dự án xanh, công nghệ xanh, tri thức xanh được chuyển giao. Cùng với đó, thúc đẩy hợp tác đầu tư quốc tế, đẩy nhanh xanh hoá các ngành, xây dựng cụm ngành xanh trong khu vực như chế tạo linh kiện xanh, hydro xanh…