Yêu cầu này càng trở nên cấp bách hơn khi ngày càng có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới tìm đến Việt Nam “làm tổ”. Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đánh giá: trước tình trạng gián đoạn sản xuất do COVID - 19 và căng thẳng địa chính trị, Việt Nam ngày càng nâng cao uy tín nhờ việc khẳng định vị thế thuận lợi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Việt Nam được xếp hạng là quốc gia có triển vọng thứ hai trên thế giới để các công ty Nhật Bản mở rộng kinh doanh.
Bên cạnh đó, để tiếp tục tăng trưởng kinh tế bền vững, không rơi vào bẫy thu nhập trung bình trong tương lai, JCCI cho rằng Việt Nam cần khuyến khích đổi mới, phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Chìa khóa để phát triển kinh tế Việt Nam là tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
Thế nhưng, theo khảo sát của JETRO, tỷ lệ nội địa hóa của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam chỉ tăng 10% trong 10 năm qua. Do đó, cần phải đẩy nhanh hơn nữa sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI.
Đại diện các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn trong giai đoạn trung và dài hạn được cung cấp các sản phẩm chất lượng tốt từ các doanh nghiệp tại Việt Nam. Song, thực tế, số lượng doanh nghiệp địa phương có thể cung ứng sản phẩm, công nghệ phù hợp với nhu cầu trước mắt của doanh nghiệp Hàn Quốc chưa nhiều. Mặc dù các bộ ngành chức năng của Việt Nam có nhiều cố gắng nhưng việc cung cấp thông tin về các doanh nghiệp có khả năng cũng còn thiếu.
Đặc biệt, các nhà đầu tư Hàn Quốc đánh giá, đang có khoảng cách lớn trong một số lĩnh vực cao như bán dẫn, điện và điện tử, IT…
Liên kết yếu giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và doanh nghiệp FDI được đề cập nhiều. Trong thời gian qua, thông qua hợp tác liên kết, một số tập đoàn lớn, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã tổ chức các chương trình kết nối, đào tạo nguồn nhân lực, tập huấn nâng cao kỹ năng tham gia chuỗi… với kỳ vọng chất lượng và công nghệ của các doanh nghiệp trong nước được cải thiện và tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI.
Chẳng hạn như JETRO đang đồng tổ chức các triển lãm công nghiệp hỗ trợ; công bố danh sách các công ty cung ứng xuất sắc của Việt Nam để các nhà sản xuất Nhật Bản tham khảo. Hay như tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, thông qua chương trình tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, từ chỗ chỉ có 25 doanh nghiệp vào năm 2014, đến năm 2023 các doanh nghiệp Việt Nam cấp 1 và cấp 2 tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung đã tăng lên 306 doanh nghiệp
Ngoài những nỗ lực trên, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp FDI cũng kiến nghị Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ hơn các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo nội địa. JCCI cho rằng, khi số thành viên của ngành sản xuất nội địa của Việt Nam tăng, số lượng công ty có thể cung cấp sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cũng tăng lên, đồng thời nguồn nguyên liệu và linh kiện trong nước trở nên đa dạng hơn, giúp cải thiện tỷ lệ nội địa hóa.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc, Mỹ đề xuất giải pháp ưu tiên đào tạo lao động để cung ứng nguồn nhân lực chất lượng.