Có được thành công này, ngoài chất lượng sản phẩm, còn phải thừa nhận chiến lược marketing của Milo được tính toán một cách hợp lý, khôn khéo và triển khai theo nhiều phương thức sáng tạo.
Những điều ít biết về Milo
Đội ngũ tạo ra Milo đã cắt nghĩa rất thiện cảm về sản phẩm của mình, rằng: Cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ 1929-1933 tàn phá thế giới, khiến hàng triệu trẻ em suy dinh dưỡng. Năm 1934, ông Thomas Mayne đã nghiên cứu và phát triển ra một loại bột thức uống dinh dưỡng mang hương vị cacao và lúa mạch độc đáo, giúp bổ sung nhiều năng lượng, vitamin cũng như khoáng chất cần thiết giúp cho trẻ phát triển toàn diện và ra mắt nó tại Triễn lãm Phục sinh Hoàng gia Sydney.
Thông qua các tổ chức quốc tế vì lợi quyền trẻ em, các chính phủ có tầm nhìn cải cách thể chất dân tộc, bằng cách tuyên truyền “đánh” vào tâm lý “giành những gì tốt nhất cho tương lai nhân loại”. Nhờ vậy, Milo đã nhanh chóng được bày bán tại 40 quốc gia.
Thậm chí, tại Malaysia, Milo là tên gọi mặc định cho những thức uống có hương vị chocolate. Thành công của Milo ở Đông Nam Á y hệt như hiện tượng một thời người Việt dùng từ Honda của Nhật Bản mặc định cho tất cả những chiếc xe gắn máy hai bánh.
Từ sau thế chiến II đến nay, có hàng trăm thương hiệu đồ uống dinh dưỡng ra đời, phổ biến, nhưng chưa cái tên nào thay thế được Milo trên kệ siêu thị, trong từng gia đình. Đặc biệt trong tâm thức người Việt, Milo còn có thể biến tấu thành nhiều món “ăn chơi” đầy cuốn hút.
Không chỉ là thức uống
Thành công của Milo là điển hình cho một giai đoạn phân công lao động công nghiệp bùng nổ trên toàn cầu. Sáng chế công thức Milo của Mayne gặp “bà đỡ’ của Nestsle đến từ Đức, được đầu tư vốn, công nghệ trong giai đoạn mà R&D (nghiên cứu và phát triển) đứng độc lập, rất nhiều phát minh vĩ đại bị lãng quên trong ngăn tủ.
Thương hiệu Milo còn là một ví dụ về một loại hình sản phẩm công nghệ cao, được cấp bằng sáng chế và được doanh nghiệp sản xuất phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng. Điều này giúp lý giải vì sao Milo “bất khả chiến bại”, tương tự như Coca Cola hoặc Pepsi, rượu vang Pháp, Socola Thụy Sĩ,…
Một nét độc đáo nữa của công nghệ thực phẩm đến từ Australia là: “Milo mà không phải Milo”, bởi vì nó có thể phát triển biến tấu ra rất nhiều sản phẩm “đồng vị” như sữa uống liền, bánh kẹp, kẹo ngậm, các món ăn của người Việt. Tức là tính đa dụng của các sản phẩm Milo gần như tuyệt đối.
Đối với một số sản phẩm, dịch vụ dù được xây dựng và phát triển một cách hoàn hảo thì cũng không thể tồn tại trên thị trường nếu thiếu đi hoạt động xúc tiến bán hàng hiệu quả. Milo chọn phương pháp khá kỳ công, ghi dấu ấn với tuổi thơ trong trường học, hoạt động trải nghiệm công cộng. Milo không chỉ chạy theo xu hướng marketing hiện đại mà vẫn giữ nguyên hình thức quảng bá cổ điển như poster, baner, khẩu hiệu, đại sứ thương hiệu.
Phải nói Nestle đã rất thông minh và khôn khéo khi có thể áp dụng phương châm “suy nghĩ toàn cầu, hoạt động địa phương” vào chiến lược của mình, góp phần làm nên sự thành công của chiến lược marketing của Milo.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhất là khi nhiều thương hiệu khác liên tục thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm, nếu Milo vẫn ít thay đổi mẫu mã và vẫn trung thành với hương vị socola truyền thống, thì sẽ khó duy trì và phát triển thị phần với tốc độ như hiện nay trong dài hạn.