UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có văn bản gửi Ban quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh và Công ty Amkor Technology Việt Nam về việc khánh thành nhà máy Amkor Technology Việt Nam đặt tại khu công nghiệp Yên Phong II-C.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Ninh giao Ban quản lý các khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và đơn vị có liên quan làm việc cụ thể với Công ty Amkor Technology Việt Nam để chuẩn bị các điều kiện phục vụ lễ khánh thành nhà máy Amkor Technology Việt Nam.
Ông Kim Sung Hun, Tổng Giám đốc Công ty Amkor Technology Việt Nam – cho biết, Tập đoàn Amkor được thành lập năm 1968, hiện có mặt tại 12 quốc gia trên thế giới. Nhà máy bán dẫn công nghệ cao tại Bắc Ninh là nhà máy lớn nhất của Amkor trên toàn cầu.
Nhà máy Amkor Technology Việt Nam đang được triển khai xây dựng đúng tiến độ, dự kiến hoàn công vào tháng 9, để đến cuối tháng 10 sẽ đưa vào sản xuất thử.
Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, nhà máy Amkor tại Bắc Ninh là một trong những dự án trọng điểm, khởi đầu cho xu hướng thu hút đầu tư mới của tỉnh. Ông Tuấn đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển bãi tập kết rác; đôn đốc hoàn thành đường 285B; điều phối, giải quyết sớm nhất những vướng mắc của Amkor, để dự án hoàn thành và đi vào sản xuất theo đúng tiến độ.
Trước đó, tháng 11/2021, UBND tỉnh Bắc Ninh và Công ty Amkor Technology đã tổ chức lễ ký kết thoả thuận phát triển dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại khu công nghiệp Yên Phong II-C.
Tổng vốn đầu tư đến năm 2035 của dự án là 1,6 tỷ USD, tổng diện tích khoảng 23ha. Giai đoạn đầu của dự án dự kiến được đầu tư khoảng 520 triệu USD và sẽ giải ngân trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Trên thực tế, lĩnh vực bán dẫn Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến của nhiều hãng sản xuất bán dẫn khi thu hút sự quan tâm, hiện diện của những “ông lớn” hàng đầu thế giới của Mỹ và Hàn Quốc như intel, Samsung…với những dự án từ hàng trăm triệu đến cả tỷ USD đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp.
Trước Amkor, Intel- một trong 3 nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới, từ hơn 10 năm trước đã bắt đầu phát triển nhà máy tại Việt Nam, với quy mô 1 tỷ USD. Việt Nam hiện là nơi đặt nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất của hãng công nghệ này tại Khu công nghệ cao Tp.Hồ Chí Minh. Ước tính, nhà máy này chiếm hơn 50% tổng sản lượng của Intel trên toàn cầu. Năm 2021, Intel đã tăng vốn đầu tư dự án này lên gần 1,5 tỷ USD và đang có kế hoạch đầu tư thêm để mở rộng nhà máy tại Việt Nam. Việt Nam trở thành một phần quan trọng trong mạng lưới sản xuất toàn cầu của Intel.
Ngoài ra, Samsung cũng tuyên bố kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn ở Việt Nam. Việc sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn của Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên dự kiến được thực hiện vào cuối năm 2023, sau khi công tác sản xuất thử nghiệm hoàn tất.
Cuối tháng 5 vừa qua, Công ty Infineon Technologies AG (Đức) về các giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và IoT cũng đã thông báo việc mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam, đồng thời thành lập một đội ngũ phát triển chip điện tử làm việc tại Hà Nội. Lực lượng này sẽ tập trung vào việc kiểm thử và tùy chỉnh các mạch kỹ thuật số, mạch tín hiệu analog và tích hợp, hỗ trợ các ứng dụng lái xe tự động, giám sát và cân bằng pin.
Ngoài ra thị trường còn chứng kiến sự hiện diện của Hana Micron Vina và nhiều công ty khác, tích cực đầu tư vào các dự án này.
Với sự sôi động của các dự án, một số chuyên gia trong ngành cho rằng Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất của nhiều doanh nghiệp bán dẫn thế giới và có thể sẽ tiếp tục sôi động hơn.
Một chuyên gia công nghệ nhìn nhận, việc các công ty thiết kế vi mạch của Hàn Quốc đi theo Samsung vào Việt Nam như một số công ty gần đây cho thấy quy mô của ngành điện tử Việt Nam đã đủ lớn để kéo theo sự phát triển của ngành vi mạch bán dẫn, đầu tiên là trong các khâu thiết kế và đóng gói…
Ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đang mở ra những cơ hội phát triển, thu hút đầu tư. Việt Nam được đánh giá có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh, tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc thúc đẩy một hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ sẽ giúp Việt Nam thu hút các doanh nghiệp lớn trong ngành chip bán dẫn.
Khảo sát mới nhất của Cục địa chất Mỹ cho biết, Việt Nam có trữ lượng tài nguyên đất hiếm khoảng 22 triệu tấn, xếp thứ 2 thế giới; nhóm khoáng sản quý như cobalt, than chì, lithium, nickel, silic,… đều có thể khai thác ở nước ta.
Các tài nguyên trên là điều kiện tiên quyết để một quốc gia có thể vươn lên trong kỷ nguyên mới. Ngoài ý nghĩa là đầu vào không thể thiếu của công nghiệp xe điện, năng lượng xanh, các nhóm khoáng sản nói trên còn mở ra cơ hội cho lĩnh vực công nghiệp chất bán dẫn, nghiên cứu sản xuất chip – bộ não của mọi thiết bị trong nền kinh tế hiện đại.
Trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt- Mỹ mới đây, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời “ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam, tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn.
Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Hoa Kỳ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD. Điều này được nhận định là bước tiến mới của Việt Nam trên con đường thâm nhập ngành công nghiệp trị giá hàng trăm tỷ USD.
Bên cạnh các dự án nước ngoài, Việt Nam một số đơn vị, doanh nghiệp công nghệ đã nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip như FPT Semiconductor, CMC, Viettel… Đây sẽ là con đường để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành chip bán dẫn toàn cầu.
Tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu, Việt Nam sẽ có được các cơ hội tỷ USD. Dự báo đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD.