Các nguồn tin cho biết Alibaba xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam nhằm đáp ứng các quy định pháp lý. Một trong số đó là Nghị định 53 có hiệu lực từ tháng 10/2022 với quy định các loại dữ liệu Internet phải được lưu trữ tại Việt Nam.
Đại diện Alibaba Cloud cho biết hiện tại họ đang sử dụng cơ sở hạ tầng của Viettel và VNPT nhằm lưu trữ dữ liệu khách hàng. Tuy nhiên họ cũng sao lưu dữ liệu tại các máy chủ riêng nằm rải rác ở nhiều nơi trên thế giới như Đài Loan hoặc Singapore.
Không chỉ để đáp ứng quy định của chính quyền, Alibaba cho biết kế hoạch xây trung tâm dữ liệu mới này còn nhằm đáp ứng nhu cầu của Việt Nam, một thị trường được đánh giá là có tiềm năng rất cao và có nhiều dư địa phát triển.
Ngoài ra, việc sở hữu một trung tâm dữ liệu riêng tại Việt Nam, không phụ thuộc vào dịch vụ của bên thứ ba, cũng giúp Alibaba tiết kiệm chi phí, đồng thời bảo đảm tính bảo mật và kiểm soát thông tin tốt hơn.
Mặc dù lãnh đạo Alibaba từ chối tiết lộ con số cụ thể, thế nhưng kinh phí cho 1 dự án trung tâm dữ liệu có thể lên đến hơn 1 tỷ USD.
Thông tin từ Alibaba góp phần khiến thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam ngày càng nóng hơn bao giờ hết. Không chỉ được các chuyên gia đánh giá triển vọng, thị trường này cũng liên tiếp chào đón những dự án từ các ông lớn mảng công nghệ.
Theo báo cáo của Savills Châu Á Thái Bình Dương, trung tâm dữ liệu Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới nhờ quá trình số hóa của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, dân số trẻ hiểu biết về kỹ thuật số, sự xuất hiện của 5G, luật nội địa hóa dữ liệu, v.v..
Các thống kê cho thấy tính đến đầu năm 2024, Việt Nam có 44 nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu với 28 dự án, tổng công suất đạt 45MW.
Trên thực tế, trong thời gian vừa qua, các dự án lớn cũng đã lần lượt được ra mắt.
Mới đây nhất, vào ngày 10/4/2024, Tập đoàn Viettel đã chính thức khai trương Trung tâm Dữ liệu Viettel Hòa Lạc. Xét về quy mô, đây là trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại, tổng diện tích sàn 21.000 m², dung lượng 2.400 rack và tổng công suất 30MW.
Trước đó, vào ngày 15/8/2022, Tập đoàn CMC đã khai trương CMC Data Center Tân Thuận. Cơ sở này nằm trong khu chế xuất Tân Thuận, vừa là trung tâm dữ liệu, vừa là hạ tầng điện toán đám mây. Trung tâm có tổng diện tích 13.000 m², vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng với nhiều công nghệ hiện đại và an toàn bậc nhất Việt Nam.
Đó là ví dụ về doanh nghiệp nội địa Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng chào đón các dự án của những tập đoàn ngoại quốc.
Đầu tiên không thể không kể đến là Amazon, đơn vị dù nổi tiếng với dịch vụ sàn TMĐT nhưng thực chất mảng điện toán đám mây mới là con gà đẻ trứng vàng. Thời điểm cuối tháng 3/2022, Amazon công bố chọn Hà Nội làm 1 trong 10 địa điểm xây dựng trung tâm dữ liệu tại Châu Á - Thái Bình Dương. Mục tiêu của Amazon là xây dựng các trung tâm dữ liệu địa phương với quy mô nhỏ hơn trung tâm chuẩn nhưng phục vụ khách hàng địa phương tốt hơn.
Trong khi đó, tập đoàn viễn thông NTT (Nhật Bản) cũng đưa ra kế hoạch tương tự và mốc thời gian không khác biệt lắm. Cụ thể, cuối tháng 4/2022, họ tuyên bố sẽ đầu tư 56 triệu USD xây dựng trung tâm dữ liệu tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Nếu hoàn thành, đây sẽ là trung tâm dữ liệu đạt chuẩn lớn nhất Việt Nam.
Theo dự đoán của Viettel, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam sẽ mở rộng 15% mỗi năm trong tương lai gần và có khả năng tăng nhiều hơn nếu như một công ty lớn về mảng điện toán đám mây như Alibaba có thể hoàn thành dự án trung tâm dữ liệu của mình.
Thị trường trung tâm dữ liệu ngày càng phát triển tại Việt Nam cho thấy tầm quan trọng của loại hình dịch vụ này.
Khi các công ty lớn của quốc tế xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, thì các cơ sở này được gọi là trung tâm dữ liệu địa phương. Về mặt quy mô, trung tâm dữ liệu địa phương không thể so sánh với trung tâm dữ liệu chính, năng lực xử lý cũng thua kém. Thế nhưng nó có một lợi thế rất lớn, đó là “gần” với khách hàng địa phương hơn, giúp truyền tải dữ liệu nhanh hơn, độ trễ thấp hơn.
Tại Châu Á, lợi thế này rất đáng chú ý. Bởi đa phần khách hàng sẽ là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ không cần trung tâm dữ liệu mạnh, lớn, mà cần trung tâm dữ liệu nhanh để dễ dàng xây dựng các dịch vụ game, thương mại điện tử hoặc phát trực tuyến. Do đó, trung tâm dữ liệu địa phương sẽ giúp các nhà cung cấp dịch vụ tiếp cận được lượng khách hàng lớn hơn và củng cố vị thế tại khu vực.
Vì vậy, không quá khó hiểu khi các doanh nghiệp, cả nội địa lẫn quốc tế, đều đang thực hiện các kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu ở Việt Nam. Mặc dù dự án của Amazon và NTT vẫn chưa đi vào hoạt động, các trung tâm hiện nay chỉ của doanh nghiệp nội địa, thế nhưng dự án của Alibaba cũng là minh chứng cho thấy thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam vẫn đang phát triển.
Đó cũng là tín hiệu đáng mừng cho tham vọng “biến Việt Nam thành trung tâm số của thế giới trong thời gian tới” mà Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng từng phát biểu trong buổi lễ khai mạc Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc.