Năm 2023, xuất khẩu điện tử Việt Nam suy giảm. Tuy nhiên, sang quý I/2024 ngành điện tử đã chứng kiến sự phục hồi, với tỷ trọng xuất siêu là 4,2 tỷ USD, chiếm giá trị trên 30% tổng giá trị xuất khẩu cả nước.
Ngành chế biến chế tạo của Việt Nam, trong đó có ngành công nghiệp điện tử được đánh giá là có vị thế nhất định trên trường thế giới. Tuy nhiên, trong “giá trị đường cong nụ cười” của chuỗi cung ứng toàn cầu, vị trí của doanh nghiệp Việt Nam ở vùng “đáy” của đường cong.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam đã khái quát 6 nhận định về ngành công nghiệp điện tử.
Thứ nhất, tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng chưa cao, ước lượng từ 5-7% trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ hai, doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng trong tình trạng bấp bênh và đơn hàng không ổn định
Thứ ba, doanh nghiệp Việt chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu lao động có tay nghề, thiếu vốn, khó tiếp cận các nguồn vốn vay và tài trợ, công nghệ chưa cao. Trước đây lợi thế cạnh tranh của Việt Nam khi thu hút FDI, nhất là trong ngành điện tử chính là lực lượng lao động.
Tuy nhiên, hiện nay, lợi thế này sắp sửa không còn sức hút bởi lực lượng lao động của chúng ta đang già hóa nhanh, tuổi lao động trung bình tăng lên. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động, kể cả lao động phổ thông.
Ngoài ra, trong nhiều chiến lược chính sách hiện nay có đề cập đến khái niệm nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng trên thực tế, các chuyên gia nước ngoài không công nhận khái niệm này mà chỉ đưa ra yêu cầu là lao động đã qua đào tạo và có tay nghề. Do đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng, cần làm rõ câu chữ để tránh các bước đi chính sách sai lầm.
Thứ tư, vướng mắc mà doanh nghiệp điện tử tham gia chuỗi cung ứng gặp phải là quy định về hình thức xuất khẩu tại chỗ đang thực hiện có nguy cơ bị huỷ bỏ. Không chỉ điện tử, một số ngành hàng khác như da giày, dệt may đang tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho giữ lại quy định với doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời gia tăng giá trị nội địa.
Thứ năm, cũng như một số ngành hàng khác, quy định về sản xuất xanh, sạch, bền vững và tính minh bạch trong chuỗi cung ứng của châu Âu, Đức, Hoa Kỳ - những thị trường đích đến của ngành hàng điện tử càng ngày càng thắt chặt.
Cuối cùng, liên quan đến thuê đất, khá nhiều doanh nghiệp phản ánh, khi hết hạn thuê đất làm nhà xưởng thì không được gia hạn nhưng chính quyền sở tại có công văn yêu cầu đóng tiền thuê đất hàng năm với mức giá tại thời điểm thông báo. Thực tế này đang gây khó khăn khiến doanh nghiệp khó ổn định sản xuất và mở rộng đầu tư.
Từ những nhận định trên, bà Đỗ Thị Thúy Hương nêu 3 kiến nghị cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn. Đó là đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong đào tạo nhân lực và đào tạo nghề; chính sách thuế ổn định, lâu dài, có tiên lượng và không hồi tố, nhất là giữ ổn định chính sách quy định cho xuất nhập khẩu tại chỗ. Bên cạnh đó, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong nước và quốc tế liên quan đến chuỗi cung ứng, sản xuất bền vững, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, cần tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ, dự án của các tổ chức quốc tế.