Mark Zuckerberg “hậm hực” vì phải chơi theo luật của Apple

Mark tỏ ra rất khó chịu vì phải theo luật của Apple

Meta vừa trình làng mô hình AI mã nguồn mở Lllama. Trong bài thông báo sự việc này, nhà đồng sáng lập Facebook đã tranh thủ chỉ trích Apple.

Zuckerberg có vẻ “hậm hực” viết: “Tôi nhận ra là hình như chúng tôi chỉ được xây dựng những dịch vụ gì mà Apple ‘cho phép’ trên iPhone”.

“Nhìn cách họ đánh thuế các nhà phát triển, các quy tắc tùy tiện mà họ áp dụng và việc họ gây khó dễ cho các cải tiến sản phẩm, rõ ràng là Meta và nhiều công ty khác không hề được tự do xây dựng các dịch vụ tốt hơn cho mọi người”, ông nói thêm.

Từ vài năm nay, Zuckerberg đang rất “đau đầu” với Apple. Khởi nguồn là việc Apple siết chặt quyền riêng tư trên các thiết bị của mình. Chính sách này khiến các ứng dụng của Meta như Facebook hay Instagram không thể dễ dàng lấy dữ liệu của người dùng iPhone. Điều này làm Meta gặp khó khăn trong việc quảng cáo nhắm mục tiêu và dẫn tới suy giảm doanh thu.

Mặc dù đã làm rất nhiều việc, kể cả lập hẳn chiến dịch công kích Apple diện rộng trên truyền thông nhưng tình hình vẫn không có gì thay đổi vì Apple nắm trong tay một vũ khí tối thượng, đó là “phần cứng”, là chiếc máy iPhone. Phần cứng nắm trong tay thì Apple gần như có quyền sinh sát với mọi ứng dụng, trong đó có Facebook.

Zuck đã chi ra hàng tỷ USD để cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào nền tảng của người khác (trong trường hợp này là Apple).

Ông đang đặt cược lớn vào AI và cả metaverse vì đây là công nghệ tương lai nơi mọi người được dự đoán là sẽ dành phần lớn thời gian ở đó. Meta cũng đang phát triển AI và phần mềm của riêng mình để cung cấp sức mạnh cho các phần cứng như tai nghe AR và VR, chẳng hạn như dòng Quest (cái này thì phần cứng nằm trong tay Meta), được sử dụng để truy cập metaverse.

Việc Meta mở mã nguồn mô hình AI mới nhất của mình cũng được cho là câu trả lời cho sự “đóng mọi thứ” của Apple.

Zuckerberg cho biết trong bài đăng trên blog: “Ở cấp độ triết học, đây là lý do chính khiến tôi tin tưởng mạnh mẽ vào việc xây dựng hệ sinh thái mở về AI và AR/VR cho thế hệ điện toán tiếp theo”.

Apple thì vẫn suy nghĩ khác. Công ty thích cách tiếp cận “kín cổng cao tường” giúp họ kiểm soát chặt chẽ hệ sinh thái của mình. Apple cho biết sự “đóng kín” này giúp mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng và tốt hơn cho sự an toàn và quyền riêng tư.

Đối với các tính năng AI tạo sinh Apple Intelligence mới của mình, Apple đã chọn hợp tác với OpenAI để khởi đầu, nhưng Apple cũng tự phát triển nhiều tính năng AI của riêng mình. Mặc dù Apple cho biết họ sẵn sàng tích hợp các mô hình AI của bên thứ ba khác trong tương lai, chẳng hạn như Gemini của Google, nhưng công ty được cho là đã loại bỏ AI của Meta trong các cuộc đàm phán ban đầu vì lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu.

Liên tục bị Apple ngó lơ, nên để phản bác sự đóng kín của Apple, Zuckerberg đang nỗ lực truyền bá niềm tin rằng các mô hình nguồn mở nên - và sẽ - là tiêu chuẩn.

Tuy rất “hậm hực”, nhưng Zuck vẫn phải thừa nhận rằng Apple đang rất thành công với triết lý đóng kín của mình, mà bằng chứng rõ ràng nhất sự thống trị của Apple trong ngành di động.

Mặc dù chỉ trích Apple là “kín cổng cao tường”, nhưng nhà sáng lập và điều hành Facebook có vẻ như lại quên rằng công ty của ông cũng bị cho là rất bảo thủ dưới quyền lực tuyệt đối của chính ông.