Quan điểm cụ thể của mỗi ứng cử viên về vấn đề kinh tế đang là tâm điểm chờ đợi của các cử tri Mỹ và cả các nhà đầu tư.
Tại cuộc tranh luận bầu cử Tổng thống đầu tiên và có thể là duy nhất (trước bầu cử) giữa hai ứng cử viên là cựu Tổng thống Donald Trump và đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris, quan điểm cụ thể của mỗi ứng cử viên về vấn đề kinh tế là tâm điểm chờ đợi của các cử tri Mỹ và cả các nhà đầu tư.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ còn cách gần hai tháng nữa, nhưng đây lại là bước ngoặt, ít nhất là về vấn đề kinh tế. Các số liệu kinh tế liên quan trực tiếp tới chính quyền đương nhiệm như lạm phát tháng 8 sẽ được đưa ra trong ngày mai. Trong khi đó, tuần sau Fed họp và có khả năng hạ lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm.
Kênh ABC công bố cuộc tranh luận sẽ về một loạt các vấn đề nóng từ kinh tế, nhập cư, quyền sinh sản, tội phạm và nhiều vấn đề khác.
Về vấn đề kinh tế, lạm phát, ông Trump cam kết sẽ hạ giá thành bằng việc khôi phục “sự độc lập về năng lượng” thông qua khoan thêm dầu và hạ giá khí đốt. Ông cũng cho biết sẽ giảm nợ quốc gia, giảm thuế cho các tập đoàn Mỹ và tăng thuế lên hàng nhập khẩu.
Còn bà Harris đưa ra kế hoạch có tên “nền kinh tế cơ hội” – cơ hội cho tầng lớp trung lưu, nâng thuế lên giới siêu giàu và cấm các hoạt động đầu cư giá thực phẩm và giá hàng hoá.
Vấn đề kinh tế sẽ là trọng điểm trong cuộc tranh luận
Nhật báo phố Wall cho rằng cuộc tranh luận sẽ là cơ hội để bà Harris giới thiệu bản thân với những cử tri còn mơ hồ về bà và cho họ thấy bà sẵn sàng cho vị trí tổng tư lệnh.
Còn cựu Tổng thống Trump, theo lời chiến lược gia của đảng Cộng hòa Brett O’Donnell thì “phải tập trung nói về chính sách chứ không phải về con người của đối thủ”. Chính sách ở đây có thể là cả các vấn đề kinh tế hiện tại của chính quyền đương nhiệm lẫn các giải pháp mới.
Trang CNBC cho rằng, vấn đề kinh tế sẽ là trọng điểm trong cuộc tranh luận. Theo thăm dò, chi phí sinh hoạt cao là vấn đề quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ lúc này. Vì thế, cả ông Trump và bà Harris đều sẽ đưa ra đề xuất kinh tế mới.
Còn về chính sách lãi suất, chuyên trang Barron’s cho rằng, vì cuộc tranh luận mà có thể Fed sẽ không hạ lãi suất mạnh tay. Trước đó, báo cáo việc làm quá yếu dẫn tới dự đoán Fed sẽ phải hạ lãi suất sâu để thúc đẩy thị trường. Thế nhưng điều đó có thể không xảy ra. Fed được cho là thường không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị. Nhưng các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, hai ứng cử viên đang ngang ngửa trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và vì thế Fed sẽ muốn có một vị trí trung dung. Và theo bài báo, điều đó có nghĩa hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm vẫn là kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất. Và kịch bản này được công cụ theo dõi Fed của CME cũng ghi nhận là có 67% xác suất xảy ra.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...