Để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại do cơn bão gây ra, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cũng vừa có Công văn gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm do bão số 3 gây ra. Đồng thời thực hiện bồi thường, tạm ứng bồi thường 1 cách nhanh chóng, kịp thời.
Theo báo cáo sơ bộ, các doanh nghiệp đã tiếp nhận khoảng 1.754 vụ tổn thất của khách hàng, liên quan tới bảo hiểm tài sản và xe cơ giới.
Những nhà xưởng bị tốc mái, xe cộ ngập nước, hay bị cây đổ đè lên, hàng nghìn tài sản của người dân, doanh nghiệp đã bị hư hại sau mưa bão. Những tài sản này, nếu có mua bảo hiểm, đều sẽ được tính toán bồi thường.
Ông Vũ Văn Thắng – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm PVI cho biết: “Trong cơn bão này thì chúng tôi sẽ rút ngắn được chuyện xác minh nguyên nhân, mà sẽ chỉ xác định mức độ tổn thất và phạm vi bồi thường nữa”.
Thông thường, có 3 phương thức chi trả phổ biển với tài sản bị hư hại là thay mới – sửa chữa – hoặc bồi thường. Đại diện nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, trong tình hình mưa lũ, nếu chờ đợi người được bảo hiểm chuẩn bị đầy đủ chứng từ, giấy tờ xác minh sửa chữa, sẽ mất thời gian. Để kịp thời khắc phục tổn thất, các doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận tạm ứng tiền mặt trước, hoàn chứng từ sau.
Ông Đỗ Minh Hoàng – Thành viên Hội đồng quản trị Bảo hiểm Agribank cho hay: “Chờ chứng từ thay hoặc chứng từ sửa chữa mà có nghĩa phải chờ một đoạn thời gian sau khi tổn thất xảy ra, có khi đến 5-6 tháng, mà như vậy tính kịp thời không được, dẫn đến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, ngân hàng Agribank và yêu cầu ABIC phải linh hoạt chủ động các phương án để kịp thời trả tiền bồi thường ngay cho khách hàng, họ có nguồn lực tài chính khắc phục ngay cái tổn thất để nhanh chóng đưa tài sản vào vận hành sản xuất”.
“Chúng tôi cũng đã huy động tất cả các giám định viên chuyên nghiệp ở các địa bàn như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang và một số các tỉnh khác bị ảnh hưởng của bão để nhằm nhanh chóng triển khai các nghiệp vụ giám định tổn thất nhằm phương án tạm ứng cho khách hàng, bồi thường nhanh nhất”, ông Hạ Bá Cương – Giám đốc Ban Giám định bồi thường xe cơ giới, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt chia sẻ.
Theo tính toán sơ bộ từ 1 số doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần lớn trên thị trường, số tiền tổn thất ước tính có thể lên tới cả nghìn tỷ đồng. Đặc biệt là các vụ việc hư hại liên quan tới các tài sản giá trị lớn như máy móc, nhà xưởng, cầu cảng.